Thể dục nghệ thuật - "mỏ vàng" cần được đánh thức

Thể dục nghệ thuật - "mỏ vàng" cần được đánh thức
Khác với thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật có nội dung trình diễn tay không và trình diễn với 5 loại dụng cụ gồm dây, vòng, bóng, chùy và lụa. Tùy theo từng độ tuổi mà vận động viên tập luyện với các dụng cụ khác nhau. Các em dưới 7 tuổi tập luyện và thi đấu nội dung tay không, 8 - 9 tuổi tập luyện với bóng, vòng, 12 tuổi trở lên được tập luyện với cả 5 dụng cụ (toàn năng).    

Theo các huấn luyện viên, đối với vận động viên thể dục nghệ thuật, tố chất là quan trọng nhất, bên cạnh đó là ý thức, sự kiên trì và nỗ lực tập luyện để có thể đạt được những thành tích cao. Thể dục nghệ thuật giúp vận động viên có thân hình thon gọn, dẻo dai, có thể tham gia múa ba lê, khiêu vũ thể thao dance sport, thể dục nhịp điệu, tham gia các vũ đoàn.   

Hiện có 15 vận động viên thể dục nghệ thuật trong độ tuổi 6 - 18 tuổi đang tập luyện tại Trung tâm thể dục thể thao Hoa Lư, trong đó có 8 vận động viên quốc gia. Dự kiến, tại SEA Games 29 tổ chức ở Malaysia, Việt Nam có 6 vận động viên tranh tài ở môn thể dục nghệ thuật.    

Bà Trần Thị Thùy Như, Huấn luyện viên đội tuyển thể dục nghệ thuật quốc gia, chia sẻ: Bộ môn thể dục nghệ thuật chưa có điều kiện phát triển do đây là môn khó, đòi hỏi sự kiên trì tập luyện nên rất ít vận động viên theo đuổi và gắn bó. Người tập luyện trong vòng 4 năm hầu như chỉ học được những kỹ thuật cơ bản chứ chưa thể tham gia thi đấu.    

Bộ môn thể dục nghệ thuật chưa được đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất và dụng cụ tập luyện. Hiện đội tuyển quốc gia tập chung với đội tuyển Aerobic tại tầng 3 Trung tâm thể dục thể thao Hoa Lư, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Phòng tập trên tầng 3 rất nóng, không đảm bảo điều kiện, sức khỏe cho vận động viên tập luyện. Thảm tập thể dục nghệ thuật đòi hỏi phải được vệ sinh chuyên biệt, nhưng hiện các vận động viên và phụ huynh phải tự lau dọn. Trần mái trung tâm thấp và có nhiều đèn trần, xà ngang bên trên, dễ bị vướng dây, lụa khi vận động viên tập luyện động tác tung lụa, quăng dây trên không.    

Em Trần Thị Thanh Thanh Huy, vận động viên thể dục nghệ thuật đoạt Huy chương Vàng quốc gia năm 2016 cho biết: Các dụng cụ thể dục nghệ thuật có giá khá cao và phải mua ở nước ngoài, nhưng do kinh phí eo hẹp nên ít được cấp mới, chúng em thường phải tận dụng dụng cụ cũ hoặc tự bỏ tiền túi ra mua để tập luyện.    
Đội tuyển thể dục nghệ thuật quốc gia tập luyện tại Trung tâm thể dục thể thao Hoa Lư, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN.
Đội tuyển thể dục nghệ thuật quốc gia tập luyện tại Trung tâm thể dục thể thao Hoa Lư, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN.
Đội tuyển thể dục nghệ thuật quốc gia tập luyện tại Trung tâm thể dục thể thao Hoa Lư, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN.
Đội tuyển thể dục nghệ thuật quốc gia tập luyện tại Trung tâm thể dục thể thao Hoa Lư, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN.
Đội tuyển thể dục nghệ thuật quốc gia tập luyện tại Trung tâm thể dục thể thao Hoa Lư, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN.
Đội tuyển thể dục nghệ thuật quốc gia tập luyện tại Trung tâm thể dục thể thao Hoa Lư, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN.
Đội tuyển thể dục nghệ thuật quốc gia tập luyện tại Trung tâm thể dục thể thao Hoa Lư, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN.
Vận động viên thể dục nghệ thuật Trịnh Hương Giang năm nay 16 tuổi, đã có 10 năm gắn bó với bộ môn này và đoạt Huy chương Vàng tại Giải thể dục nghệ thuật quốc gia năm 2016. Nhớ lại những kỷ niệm trong tập luyện, em cho biết đã nhiều lần bị chấn thương, bầm dập do vòng, chùy đập vào người và đôi lúc cảm thấy chán nán, muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi sự động viên, khuyến khích của đồng nghiệp và huấn luyện viên đã giúp em tiếp tục gắn bó với bộ môn này.    

Tuy mới 10 tuổi nhưng vận động viên Hồ Đan Hạnh Ngọc đã có 5 năm tham gia tập luyện thể dục nghệ thuật. Trong các buổi tập luyện cùng đội tuyển quốc gia, Hạnh Ngọc miệt mài tập luyện các động tác với bóng, vòng bất kể là đầu giờ hay trong giờ nghỉ giải lao. Đối với vận động viên nhỏ tuổi này, thể dục nghệ thuật đã trở thành niềm đam mê. Chính điều này đã mang lại cho Hạnh Ngọc thành tích đáng nể: Huy chương Vàng quốc gia năm 2014, 2015, Huy chương Bạc quốc gia năm 2016. Hạnh Ngọc chia sẻ: "Thấy em bỏ nhiều thời gian tập luyện và có lúc bị chấn thương nên ba mẹ khuyên chuyển sang môn khác. Em vẫn muốn tiếp tục theo đuổi, cố gắng tập luyện và đạt nhiều thành tích cao để ba mẹ yên tâm và tiếp tục ủng hộ niềm đam mê của em".    

Chia sẻ về điều kiện phát triển môn thể dục nghệ thuật, Huấn luyện viên Trần Thị Thùy Như cho biết: "Nếu vận động viên thể dục nghệ thuật đoạt được các thành tích cao ở giải quốc tế thì bộ môn sẽ được nhiều người quan tâm và biết đến, từ đó phụ huynh sẽ mạnh dạn cho con em tham gia tập luyện. Tôi cũng mong muốn ngành thể dục thể thao đầu tư khu tập luyện đủ điều kiện và dụng cụ đầy đủ phục vụ cho công tác hướng dẫn và tập luyện của huấn luyện viên, vận động viên thể dục nghệ thuật."    

Thể dục nghệ thuật là môn thể thao phổ biến trên thế giới, nằm trong hệ thống thi đấu của thế vận hội Olympic. Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng phát triển thể dục nghệ thuật do có nhiều vận động viên trẻ đang tập luyện tại các câu lạc bộ, hứa hẹn là lứa vận động viên gặt hái thành tích tại các giải khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, sự phát triển bộ môn thể dục nghệ thuật tại Việt Nam cần sự phối hợp đầu tư đồng bộ của ngành thể dục thể thao, ngành giáo dục và đào tạo, cũng như sự quan tâm của các tỉnh, thành phố trong cả nước./. 
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm