Thành phố Hồ Chí Minh tìm giải pháp huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển giai đoạn 2018 – 2020

Thành phố Hồ Chí Minh tìm giải pháp huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển giai đoạn 2018 – 2020
Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở nhu cầu chi đầu tư phát triển giai đoạn 2016 – 2020 là 326.556 tỷ đồng, đã thực hiện chi đầu tư phát triển giải đoạn 2016 – 2017 đạt 48.101 tỷ đồng; dự kiến nhu cầu chi phát triển giai đoạn 2018 – 2020 là 278.455 tỷ đồng.
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
  
Với nhu cầu trên, Thành phố dự kiến huy động nguồn lực: 121.953 tỷ đồng cân đối từ ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; 14.774 tỷ đồng nguồn ngân sách Trung ương (ước tính); 14.881 tỷ đồng nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với các Hiệp định vay đã ký kết; 126.847 tỷ đồng dự kiến từ nguồn thu thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.
 
Hiện cơ cấu đầu tư của Thành phố có chuyển biến tích cực, vốn đầu tư từ khu vực kinh tế nhà nước tuy có tăng về giá trị tuyệt đối, nhưng lại giảm về tỷ trọng đầu tư trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (giảm từ 24,3% năm 2011 xuống 19,7% năm 2015); trong khi vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng từ 60% lên 62% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
 
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vốn đầu tư từ khu vực nhà nước hiện đóng vai trò “vốn mồi” để đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế tạo tiền đề để thu hút đầu tư từ các khu vực khác.

Ngoài ra, xã hội hóa đầu tư trên địa bàn thành phố đã phát triển mở rộng, đặc biệt đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, cần nhiều vốn đầu tư, khả năng thu hồi vốn dài… cũng đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật như cầu, đường, môi trường đô thị, giao thông công cộng. Điều này góp phần tăng cường cơ sở vật chất cho tăng trưởng phát triển.
 
Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho rằng, thời gian qua, lượng kiều hối của Thành phố rất lớn, cần đánh giá nguồn lực này đầu tư cho phát triển hạ tầng, đầu tư vào 4 ngành công nghiệp trọng điểm như thế nào để có giải pháp cụ thể.

Ngoài ra, mô hình PPP được nhiều nước áp dụng là Trung tâm PPP, nên chăng Thành phố xây dựng một Trung tâm PPP một cửa liên thông để thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển.
 
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2013 đến nay, thống kê sơ bộ, lượng kiều hối đưa vào sản xuất kinh doanh chiếm 72%, kinh doanh bất động sản là 22% và khoảng 6% chi cho tiêu dùng. Với cơ cấu như vậy, lượng kiều hối đầu tư cho sản xuất kinh doanh khá cao, đây là điều tích cực.
 
Giải trình các vấn đề liên quan, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, vốn xem như nguồn lực quan trọng, trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế Thành phố. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn sau khi đăng ký đầu tư thấp, có độ trễ nhất định nên chưa tạo được sự bứt phá trong tăng trưởng kinh tế và phát triển Thành phố.

Thành phố ưu tiên phát triển 9 ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp trọng yếu, tuy nhiên doanh nghiệp ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực này còn thấp, chủ yếu tập trung một số ngành, riêng ngành bất động sản là 30%.
 
Cùng với giải pháp của các sở ngành, ông Lê Thanh Liêm cho biết, UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai các đề án nội dung thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH 14 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh của Quốc hội, hiện UBND Thành phố đã cụ thể thành 21 Đề án, tạo nguồn lực đầu tư để thực hiện Nghị quyết; Rà soát, công khai tất cả các quy hoạch, từ quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất để phát huy hiệu quả đầu tư, ưu tiên bố trí quỹ đất để đầu tư phát triển dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, trung tâm tài chính, đất dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
 
Ngoài ra, ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa ra đấu giá, đấu thầu trở thành phương thức phân bổ các nguồn lực đầu tư trên địa bàn, nhất là nguồn lực đất công, tài sản công. Mọi doanh nghiệp, dù là thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài đều bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực của Thành phố.
 
Kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, UBND Thành phố cần có giải pháp cụ thể hơn nữa để huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Trong đó, phải chú trọng, cụ thể hơn các giải pháp phát huy cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 54 của Quốc hội, chủ yếu các cơ chế thuận lợi huy động nguồn lực như thuế, phí và lệ phí, cải cách tiền lương, cổ phần hóa, sắp xếp nhà đất… Trong đó, cần chặt chẽ hơn trong công tác quản lý, nhất là sử dụng quỹ nhà đất để tránh lãng phí, thất thoát; bởi thời gian qua nhiều nơi còn cho thuê đất với giá rất rẻ, thời gian thuê rất dài, nhiều nơi đất bỏ trống, không sử dụng, không đưa vào đầu tư được./.
  Tiến Lực
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm