Thành phố Hồ Chí Minh phát triển doanh nghiệp theo chiều sâu (Bài 2)

Thành phố Hồ Chí Minh phát triển doanh nghiệp theo chiều sâu (Bài 2)
Bài 2: Còn nhiều rào cản Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chủ trương, chính sách để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp đối với các chính sách này như thế nào và liệu doanh nghiệp có dễ tiếp cận hay không… ?Gánh nặng chi phí Theo PGS.TS Nguyễn Văn Trình, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù là địa phương có số lượng doanh nghiệp đông đảo nhất cả nước, có các tập đoàn kinh tế lớn, nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt thứ hạng cao (đứng thứ 4) vào năm 2014 nhưng lại liên tục tụt bậc trong những năm gần đây. Thứ hạng năng lực cạnh tranh Thành phố sụt giảm đều do nhóm chỉ tiêu thành phần có điểm thấp và cải thiện chậm là: chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, thể chế pháp lý, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, gia nhập thị trường. 
Đến tháng 8/2017, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 309.000 doanh nghiệp; trong đó, có 305.000 doanh nghiệp tư nhân. Xét về quy mô, gần 99% doanh nghiệp thành phố có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, chỉ hơn 1% doanh nghiệp có quy mô lớn. Ảnh: Quốc Việt /TTXVN
Đến tháng 8/2017, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 309.000 doanh nghiệp; trong đó, có 305.000 doanh nghiệp tư nhân. Xét về quy mô, gần 99% doanh nghiệp thành phố có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, chỉ hơn 1% doanh nghiệp có quy mô lớn.  Ảnh: Quốc Việt /TTXVN
Ông Nguyễn Văn Trình cho rằng, tình trạng làm khó doanh nghiệp, nhũng nhiễu, bôi trơn, chi phí không chính thức gia tăng trở thành gánh nặng của người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp sân nhà với các doanh nghiệp khác thể hiện ở các lĩnh vực như: tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai, tiếp cận các đơn đặt hàng của Nhà nước, tiếp cận cấp phép và các thủ tục hành chính…. Ngoài ra, thái độ ứng xử thiếu thân thiện của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức khu vực công ở các cấp chính quyền của Thành phố cũng làm giảm đi lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào các chính sách, chủ trương đúng đắn của cấp lãnh đạo Thành phố. Theo ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, có quá nhiều thủ tục mới đưa được doanh nghiệp  gia nhập thị trường; trong đó, có nhiều việc khó như thành lập doanh nghiệp phải mã hóa ngành kinh doanh, đăng ký qua mạng cũng chưa dễ tự thực hiện; quá nhiều “giấy phép con” chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, điều kiện an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, môi trường; phù hợp quy chuẩn, quy hoạch; chứng chỉ hành nghề, bằng cấp…. Và thực tế đã hình thành thị trường ngầm để mua bán, thuê mướn những thứ cần cho thủ tục. Tình hình về kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhiều lần trong một năm, cán bộ kiểm tra lạm dụng quyền hạn làm khó doanh nghiệp vẫn còn xảy ra. TS Huỳnh Thanh Điền, Nhóm tư vấn chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong số doanh nghiệp thành lập mới thì đối tượng doanh nghiệp dự định phát triển mới, mở rộng quy mô chiếm tỷ lệ rất thấp, ngại mở rộng, phát triển. Câu hỏi đặt ra là, thông thường khi làm ăn có hiệu quả doanh nghiệp sẽ muốn phát triển lâu dài nhưng tại sao doanh nghiệp lại trăn trở không muốn mở rộng nữa ? Cái khó khăn của doanh nghiệp vẫn là những câu chuyện giá thành cao, sức cạnh tranh kém, khó tiếp cận vốn và khó tiếp cận chính sách. Bởi vì phần lớn các chính sách ban hành ra nhưng thủ tục tiếp cận còn khó khăn và rườm rà, đây lại là môi trường cho tham nhũng rất nguy hiểm. Ngoài ra, theo các chuyên gia, một thực tế hiện nay là số lượng doanh nghiệp đăng ký và số doanh nghiệp nộp thuế chênh nhau rất lớn. Số doanh nghiệp đăng ký mà chưa hoạt động rất lớn, chiếm khoảng 41% trên tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập; trong đó, nhiều trường hợp thành lập xong nhưng bị lỡ mất cơ hội kinh doanh, thành lập doanh nghiệp nhưng không vì mục tiêu kinh doanh, tạm ngưng để chờ cơ hội hoạt động trở lại; ngưng hẳn nhưng không làm thủ tục giải thể. Để nắm chính xác số doanh nghiệp “tàng hình” này cần phải có sự rà soát, kiểm tra, kiểm soát của các sở, ngành liên quan để có giải pháp giải quyết triệt để tình trạng này, nhằm giúp đề ra chính sách đối với doanh nghiệp một cách phù hợp hơn.Chưa đi vào chất lượng Cũng theo TS Huỳnh Thanh Điền, ba nguồn phát triển doanh nghiệp hiện nay của  Thành phố Hồ Chí Minh gồm: hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp; doanh nghiệp hiện hữu mở rộng, phát triển để thành lập doanh nghiệp mới và những người khởi sự mới hoàn toàn. Trong ba nguồn chính này thì doanh nghiệp khởi nghiệp khả năng thành công tỷ lệ rất thấp bởi người khởi nghiệp lần đầu chưa hình dung hết những hoạt động kinh doanh. Còn đối với hộ kinh doanh cũng ngại nâng tầm lên doanh nghiệp vì thiếu ý tưởng lớn hơn. Không có ý định phát triển lớn hơn mà chuyển đổi thì sẽ gặp bất lợi hơn bởi các nghĩa vụ pháp lý có phần phức tạp hơn như: các giấy phép về môi trường; thủ tục kê khai, quyết toán thuế, tuyển thêm kế toán… làm tăng thêm chi phí gián tiếp hoặc e ngại các cuộc thanh tra, kiểm tra. Một số trường hợp thì muốn làm ăn lớn hơn nhưng lại thiếu kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh dưới mô hình doanh nghiệp như tài chính, nhân sự, bán hàng, rủi ro… nên chưa đủ tự tin để phát triển lên doanh nghiệp. Theo số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 8/2017, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 309.000 doanh nghiệp; trong đó, có 305.000 doanh nghiệp tư nhân. Xét về quy mô, gần 99% doanh nghiệp thành phố có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, chỉ hơn 1% doanh nghiệp có quy mô lớn. Riêng số liệu thống kê của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, trong số hơn 300.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn, hiện chỉ có gần 192.000 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh có đóng thuế. Con số này cho thấy, số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có lãi chỉ chiếm khoảng 62% trên tổng số doanh nghiệp hiện có. Theo ông Nguyễn Đình Tuệ, doanh nghiệp  vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ phần lớn đều có chung nhược điểm thiếu vốn, mặt bằng, thiếu nhân lực có chất lượng, khó tiêu thụ sản phẩm vào các kênh phân phối, khó mở rộng thị trường, khó tiếp cận khoa học công nghệ, giá thành sản phẩm cao, chất lượng thấp không có khả năng đổi mới công nghệ… và sức cạnh tranh rất hạn chế. Các chuyên gia nhận định, qua 8 tháng số lượng doanh nghiệp thành lập mới công bố là có tăng, tuy nhiên trong số đó số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và thương mại bán lẻ chiếm tỷ lệ lớn trong số doanh nghiệp khởi nghiệp (39%). Điều này có nghĩa các doanh nghiệp khởi nghiệp trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu còn rất kém. Ngoài ra, đến giờ phút này, phần lớn các hộ kinh doanh còn e ngại chuyển lên doanh nghiệp là do sợ những thủ tục kê khai quyết toán thuế và tăng chi phí gián tiếp, hoặc thiếu kỹ năng, kiến thức để quản trị một mô hình kinh doanh. Do đó, theo TS Huỳnh Thanh Điền, không chỉ vận động một cách bình thường mà còn Nhà nước phải đồng hành, tư vấn cho doanh nghiệp cách làm ăn, cách phát triển lớn lên bởi vì khi họ chuyển lên doanh nghiệp là họ đã có ý tưởng kinh doanh rất rõ ràng, cần vốn mở rộng thị trường thì tự động họ sẽ dịch chuyển một cách tự nhiên.../.
Việt Âu
Bài 3 (tiếp theo và hết): Thu hút mọi đối tượng thành lập
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm