Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực đáp ứng yêu cầu chất và lượng giáo dục (Bài 1)

Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực đáp ứng yêu cầu chất và lượng giáo dục (Bài 1)
Bài 1: Đến hẹn lại… tăng
Mỗi năm thành phố tăng cơ học hàng chục ngàn học sinh, trong khi đó điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp dù được quan tâm đầu tư nhưng vẫn không đáp ứng kịp. Để đảm bảo chỗ học cho học sinh trên địa bàn, ngành giáo dục buộc phải sử dụng đến giải pháp tình thế là tăng sĩ số lớp học và giảm số học sinh được học bán trú 2 buổi/ngày, dù điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc đảm bảo chất lượng dạy và học.
Trường Mầm non Sen Hồng (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) với quy mô 20 phòng học sẽ được đưa vào sử dụng trong năm học mới 2018-2019. Ảnh: Thu Hoài -TTXVN
Trường Mầm non Sen Hồng (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) với quy mô 20 phòng học sẽ được đưa vào sử dụng trong năm học mới 2018-2019. Ảnh: Thu Hoài -TTXVN
 
Gồng mình gánh “Rồng vàng”
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành Hồ Chí Minh, năm học 2018 – 2019, thành phố tăng hơn 67.000 học sinh so với năm học trước. Số học sinh tăng nhiều nhất ở bậc mầm non, tiểu học, trong đó tập trung ở các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

Đây là những quận, huyện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất, khiến tốc độ tăng dân số cơ học tăng nhanh. Bình quân mỗi năm, thành phố tăng khoảng 15.000 học sinh không có hộ khẩu tại thành phố.
 
Năm nay, lứa tuổi “Rồng vàng” (sinh năm 2012) bắt đầu vào lớp 1 nên số học sinh vào đầu cấp tiểu học tăng đột biến, khiến áp lực trường, lớp càng nặng hơn đối với nhiều quận, huyện của thành phố.
 
Quận Bình Tân là một trong những địa phương có số học sinh đông nhất thành phố và lượng học sinh hằng năm tăng cao. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho biết, số học sinh tăng cao hằng năm là một áp lực rất lớn với quận.

Riêng năm nay, lứa học sinh bắt đầu vào tiểu học là lứa “Rồng vàng” nên số lượng tăng càng cao. Cụ thể, số học sinh vào lớp 1 tại quận là hơn 14.000 em (tăng 3.000 so với năm trước). Số học sinh vào tiểu học nhiều hơn số học sinh học xong tiểu học là hơn 6.000 em.

Năm nay, lứa tuổi “Heo vàng” vào lớp 6 cũng nhiều hơn số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở là 3.000 em. Trong khi đó, cơ sở vật chất trường lớp dù được quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng không đáp ứng được số học sinh tăng mỗi năm.
 
Tại quận Tân Phú, số lượng học sinh vào lớp 1 năm nay cũng tăng 2.000 em so với năm trước. Bên cạnh hệ quả lứa học sinh năm “Rồng vàng” vào lớp 1 tăng, những năm gần đây, quận Tân Phú có tỉ lệ dân nhập cư khá cao. Đồng thời, người dân ở các quận, huyện giáp ranh cũng cho con sang Tân Phú học vì gần hơn.
 
Năm nay, Quận 12 tăng 7.500 học sinh so với năm học trước, trong đó bậc tiểu học tăng nhiều nhất với hơn 3.000 em. Tương tự, các quận, huyện khác như Thủ Đức, Gò Vấp, Củ Chi, Hóc Môn cũng đang phải “gồng mình” gánh số học sinh tăng cao mỗi năm, trong khi cơ sở vật chất và nguồn lực chưa đáp ứng kịp.
 
Học sinh tăng cao, ngoài áp lực về trường lớp, ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh còn gặp khó khăn do tình trạng thiếu giáo viên.

Theo lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố, khi mỗi năm thành phố tăng hàng chục ngàn học sinh và cả ngàn phòng học mới được đưa vào sử dụng thì việc tăng biên chế giáo viên đáp ứng yêu cầu là rất cần thiết.

Tuy nhiên, biên chế giáo viên của thành phố lại tương đồng như các tỉnh, thành phố khác, điều này gây khó khăn cho công tác dạy và học. Việc tăng biên chế này gặp khó khăn do phải được chấp thuận của Bộ Nội vụ.
 
Giảm lớp bán trú, tăng sĩ số lớp
Mới chuyển nhà từ Quận 9 đến Quận 2 vào đầu hè vừa qua, chị A.N nhanh chóng đăng ký cho con học lớp 1. Chị A.N cho biết, gia đình rất lo lắng bởi năm nay số học sinh vào lớp 1 rất đông, chị nộp hồ sơ muộn con sẽ bị “lọt sổ” không được vào lớp bán trú.
Phòng học mới sẽ được đưa vào sử dụng trong năm học mới tại Trường Mầm non Hồng Ngọc (phường Tân Tạo, quận Bình Tân). Ảnh: Thu Hoài -TTXVN
Phòng học mới sẽ được đưa vào sử dụng trong năm học mới tại Trường Mầm non Hồng Ngọc (phường Tân Tạo, quận Bình Tân). Ảnh: Thu Hoài -TTXVN

Lo lắng không yên, cứ vài ngày chị lại đến trường để hỏi thông tin, xem danh sách. May mắn, gia đình thở phào nhẹ nhõm bởi con chị cũng được xếp vào lớp bán trú, nếu không vợ chồng chị không biết xoay sở ra sao với con trong buổi còn lại.
 
Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều gia đình có con vào đầu cấp, khi các quận, huyện ở thành phố phải chọn giải pháp giảm lớp bán trú và tăng sĩ số lớp học nhằm đảm bảo chỗ học cho học sinh. Giải pháp này đưa ra khiến nhiều phụ huynh lo lắng bởi thực tế nhu cầu cho con học bán trú 2 buổi/ngày của phụ huynh rất lớn.
 
Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân, số phòng học xây mới hàng năm cũng chỉ giải quyết được một phần chỗ học cho học sinh tăng cơ học theo từng năm. Không còn cách nào khác, giải pháp bắt buộc là phải tăng sĩ số học sinh/lớp và giảm số học sinh học bán trú để có được chỗ học cho học sinh khác.

Cụ thể, sĩ số ở bậc tiểu học sẽ khoảng 43 học sinh/lớp (vượt so với chuẩn là 35 học sinh/lớp), trung học cơ sở 44 học sinh/lớp. Đồng thời, số học sinh học 2 buổi/ngày cũng phải giảm xuống. Nếu như năm trước quận có 42% học sinh tiểu học được học bán trú thì năm nay số này có thể giảm từ 5-7%. Còn bậc trung học cơ sở năm trước chỉ có 25% học sinh học bán trú, nhưng năm nay cũng sẽ tiếp tục giảm.

Bên cạnh đó, một số trường còn phải lấy thêm phòng chức năng để làm phòng học. Đến nay, đã có 200 phòng chức năng như phòng nhạc, phòng ngủ được chuyển đổi thành phòng học.
 
Tương tự, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 12 cho biết, số lượng trường lớp không thể đáp ứng được số học sinh tăng liên tục hằng năm. Để giải bài toán về chỗ học cho học sinh, đặc biệt là học sinh vào lớp 1, quận bắt buộc phải nâng sĩ số học sinh/lớp và giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày.

Ngoài hai trường đạt chuẩn quốc gia và mô hình tiên tiến, tất các các trường đều có sĩ số học sinh trung bình 54 học sinh/lớp (năm trước tối đa 50 học sinh/lớp).

Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày bị giảm, cụ thể bậc tiểu học còn 21% học sinh học 2 buổi/ngày (năm trước là 24,2%).
 
Quận Tân Phú cũng giảm số học sinh học bán trú, chỉ còn khoảng 30% học sinh tiểu học học bán trú. Sĩ số học sinh ở các trường sẽ dao động ở mức 49-50 học sinh/lớp. Đây là giải pháp bắt buộc trong điều kiện học sinh quá đông, nhưng quận vẫn phải đảm bảo tất cả các em đều có chỗ học.
 
Nhìn nhận thực tế, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, số học sinh tăng cao mỗi năm tạo nên áp lực rất lớn đối với thành phố trong việc đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trường, lớp. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp, vượt cao so với chuẩn quy định, nhất là ở bậc tiểu học.

Một số trường có quy mô trên 40-50 học sinh/lớp, làm hạn chế phần nào công tác quản lý chất lượng giảng dạy; đồng thời kéo theo đó số học sinh được học 2 buổi/ngày cũng giảm. Không những thế, điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng, sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp, ảnh hưởng đến công tác dạy và học./.
  Thu Hoài
  Bài 2: Đảm bảo lượng và chất
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm