Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo

Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo
Tại hội nghị, bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, thành phố vẫn còn một bộ phận không nhỏ người lao động không có trình độ chuyên môn, tay nghề đáp ứng yêu cầu đặt ra. Những trường hợp này đa số đều trong độ tuổi lao động, thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Thực tế trên đã làm tăng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nảy sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố. 
 
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Bà Khánh cho rằng, đào tạo nghề cho người dân nói chung và đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo nói riêng là giải pháp toàn diện gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những giải pháp hiệu quả giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, chống tái nghèo. 

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố xác định, chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm và căn cơ nhất để hỗ trợ người nghèo, cận nghèo có điều kiện lao động.

Sở cùng các tổ chức đoàn thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp để người lao động có nhận thức đúng đắn về học nghề, về vị thế của người lao động trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nghèo, cận nghèo ở nhiều trình độ từ sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng đang được đẩy mạnh, với đa dạng lĩnh vực đào tạo nhằm đáp ứng tốt yêu cầu, nhu cầu của thị trường lao động. 

Theo ông Lâm, bên cạnh nguồn lực Nhà nước, các tổ chức đoàn thể cần vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ cho thành viên hộ nghèo, cận nghèo an tâm học tập, nâng cao tay nghề đáp ứng yêu cầu thực tế. Chính quyền các địa phương cần có sự gắn kết với doanh nghiệp, vận động doanh nghiệp đồng hành cùng đào tạo trực tiếp và sử dụng nguồn lao động đã được đào tạo. 

Ở góc độ người sử dụng lao động, ông Trần Kim Long, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp Khu Công nghiệp - Khu Chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hệ thống các trường dạy nghề quận, huyện cần gắn với khu chế xuất, khu công nghiệp và doanh nghiệp gần nhất để hoạt động theo phương thức “đặt hàng” dạy nghề gắn kết giữa cung - cầu, giữa nhà trường - doanh nghiệp. 

Ông Long cho biết, Hiệp hội sẵn sàng phối hợp ký kết các nội dung cụ thể với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố về chương trình, phương thức hoạt động kết nối giữa quận, huyện và khu chế xuất, khu công nghiệp, giữa nhà trường - doanh nghiệp, giữa đào tạo nghề, bố trí việc làm. 
Thành viên Uỷ ban MTTQ huyện Hóc Môn tham gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Thành viên Uỷ ban MTTQ huyện Hóc Môn tham gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Cũng tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, để công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm hiệu quả, trước hết cần khảo sát nhu cầu của từng hộ nghèo, cận nghèo cũng như nhu cầu, yêu cầu từ phía doanh nghiệp để có sự gắn kết, đồng bộ trong đào tạo, sử dụng lao động. Từ đó, học viên được đào tạo nghề có thể được doanh nghiệp tiếp nhận. 

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững từ 2016 đến nay, chương trình đã đào tạo trình độ sơ cấp cho 39.427 người; đào tạo nghề cho 6.529 người và giải quyết việc làm cho 24.710 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thành phố.

Thông qua nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm từ Chương trình giảm nghèo bền vững thành phố đã góp phần làm giảm hơn 42.000 hộ nghèo và 34.000 hộ cận nghèo; trong đó hơn 13.200 hộ vượt chuẩn cận nghèo còn thiếu hụt về trình độ nghề, 401 hộ vượt chuẩn cận nghèo còn thiếu hụt về việc làm./. 
Thanh Vũ
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm