Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khi chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp

Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khi chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp
Thông tin trên được ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại buổi làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20/10.
Đến tháng 8/2017, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 309.000 doanh nghiệp; trong đó, có 305.000 doanh nghiệp tư nhân. Xét về quy mô, gần 99% doanh nghiệp thành phố có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, chỉ hơn 1% doanh nghiệp có quy mô lớn. Ảnh: Quốc Việt /TTXVN
Đến tháng 8/2017, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 309.000 doanh nghiệp; trong đó, có 305.000 doanh nghiệp tư nhân. Xét về quy mô, gần 99% doanh nghiệp thành phố có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, chỉ hơn 1% doanh nghiệp có quy mô lớn.  Ảnh: Quốc Việt /TTXVN

Theo ông Lê Duy Minh, thực hiện Quyết định số 3907/QĐ-UBND của UBND thành phố về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể, Cục Thuế thành phố đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, thực hiện kê khai và nộp thuế điện tử; mở rộng hệ thống hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế; thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng qua mạng... nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế một cách nhanh chóng, dễ dàng nhất.
 
Song song đó, từ tháng 5/2017 Cục Thuế thành phố đã ra mắt trang thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; tổ chức các điểm hỗ trợ thông tin về thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại văn phòng Cục Thuế và 24 chi cục thuế quận huyện; kết nối doanh nghiệp mới thành lập với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ liên quan tới lĩnh vực thuế với cam kết miễn phí một số dịch vụ như chữ ký số, đại lý thuế, phần mềm kế toán trong thời gian đầu... Ngoài ra, cơ quan thuế cũng thường xuyên tương tác với doanh nghiệp thông qua đối thoại trực tiếp và gián tiếp, trả lời tư vấn cho hơn 11.500 doanh nghiệp về các chính sách, thủ tục liên quan tới thuế. 

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp vẫn còn rất thấp so với chỉ tiêu đặt ra. Trong 9 tháng đầu năm 2017, thành phố Hồ Chí Minh vận động được 1.344 hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, chỉ đạt 6,72% so với chỉ tiêu mà Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đặt ra trong năm 2017 (20.000 doanh nghiệp).
 
Nguyên nhân khách quan được xác định là xuất phát từ thực tế phần lớn các hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, đơn giản, mang tính truyền thống gia đình. Các hộ kinh doanh có tâm lý lo ngại phát sinh chi phí, không quen với việc phải lưu trữ chứng từ, sổ sách kế toán. Thêm vào đó, các hộ kinh doanh cũng ngại chuyển đổi mô hình quản lý do hạn chế về kiến thức, kỹ năng điều hành doanh nghiệp, chính sách pháp luật liên quan tới ngành nghề kinh doanh.
 
Mặt khác, cơ quan thuế cũng gặp khó khăn trong quá trình vận động, thuyết phục hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp vì đến nay chưa có văn bản nào quy định rõ những quyền lợi mà hộ kinh doanh được hưởng khi chuyển đổi mô hình. Việc áp dụng chính sách tính thuế và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế có lợi cho hộ kinh doanh hơn doanh nghiệp như hiện nay cũng là lý do khiến nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn nhưng vẫn không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp.
 
Trước thực tế đó, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hiệu quả hơn. Ông Trần Minh Quốc, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền – Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những hỗ trợ của ngành thuế hiện nay mới chỉ giải quyết được những khó khăn ban đầu của hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong khi đó, cốt lõi cho sự phát triển của hộ kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp phải là môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định lâu dài. Vì vậy, các cơ quan nhà nước cần tập trung xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, ổn định lâu dài để hộ kinh doanh yên tâm chuyển đổi lên doanh nghiệp.
 
Ngoài ra, để khuyến khích hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển đổi lên doanh nghiệp, Bộ Tài chính cần xây dựng cơ chế quản lý riêng đối với nhóm doanh nghiệp mới chuyển đổi, doanh nghiệp siêu nhỏ với chế độ kế toán, hạch toán thu chi đơn giản, tần suất kê khai thấp để phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.
 
Ngược lại, ngành thuế cũng khuyến khích các hộ kinh doanh có đủ điều kiện mạnh dạn chuyển đổi lên doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội mở rộng đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh; đồng thời thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
 
Tính đến tháng 10/2017, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 192.000 doanh nghiệp và 247.000 hộ kinh doanh đang hoạt động./.
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm