Chặng đường 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI):

Thành phố Hồ Chí Minh - điểm sáng thu hút FDI của cả nước

Thành phố Hồ Chí Minh - điểm sáng thu hút FDI của cả nước
Luôn nằm trong top đầu
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 30 năm kể từ ngày nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia hoạt động tại Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh luôn nằm trong top những địa phương thu hút FDI nhiều nhất nước.
Khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN
Khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN

Đặc biệt, năm 2017, tổng vốn FDI trên địa bàn thu hút qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước đạt 6,3 tỷ USD, tăng gần gấp đôi tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2016.

Trong 8 tháng năm 2018, tổng vốn FDI trên địa bàn thu hút qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, đạt 5,18 tỷ USD (tăng trên 67% so với cùng kỳ).

Trong đó, Thành phố đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 640 dự án với tổng vốn đầu tư đạt trên 558 triệu USD; 178 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là trên 480 triệu USD.

Tính đến hết ngày 20-8-2018, tại địa bàn thành phố có khoảng 7.500 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có hiệu lực, với tổng vốn đầu tư khoảng 44,5 USD chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư của cả nước.

Đây là con số ấn tượng, đưa Thành phố Hồ Chí Minh lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng 30 năm thu hút FDI của cả nước.Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất; tiếp đến là công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy…

Mang lại thành công về thu hút FDI của Thành phố Hồ Chí Minh trước hết là do Thành phố là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, là đầu mối (Hub) kết nối kinh doanh của khu vực, với khả năng cung cấp nhân lực chất lượng cao.

Tận dụng lợi thế này, Thành phố đã thành lập những khu chế xuất. Trong đó, khu chế xuất Tân Thuận chính là "mô hình mẫu" đầu tiên được xây dựng, cũng là “điểm sáng” đánh dấu sự thành công của hoạt động thu hút FDI tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tính đến nay, các khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố đã biến đổi trên 3.500 ha đất nông nghiệp nhiễm phèn, nhiễm mặn, năng suất thấp trở thành vùng đất công nghiệp có đủ điện nước, có đường giao thông thuận lợi, tạo công ăn việc làm hàng trăm nghìn người lao động đến từ khắp các tỉnh thành phố trong cả nước.

Đồng thời, Thành phố cũng trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước đón những "ông lớn" đến đầu tư, như: Intel, BP, Samsung, Toshiba, Mercedes, Isuzu, Nidec... góp phần quan trọng tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ trong sản xuất và phát triển.

Cùng với việc thành lập các khu chế xuất, khu công nghiệp, Thành phố cũng linh hoạt đưa ra các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Nhờ nỗ lực quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin.

Đồng thời, Thành phố cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình triển khai dự án….

Việc thu hút được lượng vốn FDI lớn đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, hướng tới xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đô thị thông minh.

Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt 8,25%, gấp 1,25 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước; lần đầu tiên, quy mô kinh tế Thành phố vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng. Góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng này là nguồn FDI.

Từ chỗ chỉ đóng góp 11,3% GDP năm 1995, đến năm 2010 đã tăng lên 22,9% và hiện nay đang đóng góp 17% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố.

Đối với kim ngạch xuất khẩu, năm 1995, doanh nghiệp nước ngoài chỉ đóng góp 8,8%, đến năm 2010 đã tăng lên 23,9% và hiện nay là 55,9%.

Ngoài việc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra phương thức sản xuất, phương thức phân phối, phương thức tiêu dùng hiện đại trong xã hội, doanh nghiệp nước ngoài còn tạo công ăn việc làm cho 270.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp; đồng thời, thúc đẩy quá trình chuyển dịch từ lao động thu nhập thấp sang lao động có trình độ hiện đại và thu nhập cao.

 
Tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI
Để đẩy mạnh thu hút FDI trong thời gian tới, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, giai đoạn 2018-2020, chính quyền Thành phố sẽ tập trung vào một số nhóm mục tiêu cụ thể. 
Công Ty TNHH Nidec Tosok Việt Nam của nhà đầu tư Nhật Bản đang hoạt động sản xuất các chi tiết cơ khi tại khu chế xuất Tân Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Danh Lam – TTXVN
Công Ty TNHH Nidec Tosok Việt Nam của nhà đầu tư Nhật Bản đang hoạt động sản xuất các chi tiết cơ khi tại khu chế xuất Tân Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Danh Lam – TTXVN
               
Theo đó, ngoài mục tiêu chung là giữ ổn định nhất quán các cơ chế, chính sách về đầu tư đã ban hành, Thành phố sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bằng cách tăng tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử lên mức 90%; giảm 50% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan và thực tế hàng hóa; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất từ 57 ngày xuống còn 14 ngày đối với các tổ chức và doanh nghiệp.

Đặc biệt, Thành phố sẽ thành lập riêng một tổ công tác liên ngành về giải quyết thủ tục đầu tư do Chủ tịch UBND Thành phố làm tổ trưởng. Mỗi khi có dự án FDI lớn đầu tư vào địa bàn, tổ sẽ họp để hỗ trợ doanh nghiệp FDI xử lý toàn bộ thủ tục đầu tư cho đến khi dự án được cấp phép hoạt động. Tổ công tác này là mô hình đầu tiên trên địa bàn cả nước trong lĩnh vực xúc tiến thu hút doanh nghiệp FDI.

Cùng với đó, theo ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, trong chặng đường tới đây, Thành phố sẽ tiếp tục xem xét những giải pháp liên quan tới lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản do nhu cầu thuê nhà vẫn tiếp tục tăng cao và khả năng phát triển dịch vụ kinh doanh bất động sản vẫn thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất.

Bên cạnh đó, trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố sẽ ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, du lịch, cải tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng để Thành phố Hồ Chí Minh  tiếp tục thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, Thành phố đang triển khai Đề án “Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” với các mục tiêu như: Đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, phát triển bền vững; Dịch vụ phát triển, môi trường sống tốt, hạ tầng y tế, giáo dục tốt; người dân được chính quyền phục vụ tốt…

Ông Sử Ngọc Anh cho biết, trên địa bàn Thành phố đã có 190 dự án kêu gọi tập trung vào mục tiêu phát triển đô thị thông minh. Thành phố cũng đang rà soát lại từ quy hoạch quỹ đất đến cơ cấu ngành để tiếp tục tập trung thu hút các dự án FDI thế hệ mới.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng sẽ chủ động xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghệ cao bản lề để xây dựng đô thị hiện đại như: Công nghiệp ôtô, công nghiệp phụ trợ, sản phẩm nông nghiệp mới, công nghệ môi trường, năng lượng tái tạo… ./.
Minh Duyên (tổng hợp)
(Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Công Thương, Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, TTXVN)
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm