Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh trợ giúp người khuyết tật

Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh trợ giúp người khuyết tật
Theo ông Võ Minh Hoàng, Phó Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, hàng năm thành phố tổ chức nhiều hoạt động lồng ghép  các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án liên quan khác để thực hiện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật. Trong đó, Thành phố tập trung  các hoạt động chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục đào tạo, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiếp cận công trình xây dựng, tiếp cận giao thông công cộng…
Hội viên người khuyết tật quận 8 phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Hội viên người khuyết tật quận 8 phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Các trung tâm bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật công lập và ngoài công lập thành phố cũng đẩy mạnh liên kết với các trường dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm. Cụ thể năm 2018, Thành phố đã mở 17 lớp đào tạo cho gần 500 người khuyết tật, giới thiệu việc làm cho hơn 2.000 lượt người. Ngoài ra, Thành phố cũng đã hỗ trợ sinh kế cho hơn 2.100 lượt người khuyết tật,  tập trung hỗ trợ, hướng dẫn quy trình sản xuất kinh doanh, trợ vốn ưu đãi, hỗ trợ xe lắc, xe lăn, hỗ trợ cây giống, con giống… Tại hội nghị, nhiều đại biểu nêu lên những hạn chế, bất cập trong chính sách dành cho người khuyết tật như hỗ trợ kinh doanh, miễn giảm thuế, thi lấy bằng lái xe, bảo hiểm y tế, hỗ trợ người khuyết tật trong khám và điều trị bệnh... Nhiều hộ gia đình và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn chưa tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; hạ tầng cơ sở văn hóa, thể dục thể thao, giao thông công cộng dành cho người khuyết tật tiếp cận còn thiếu, chưa đồng bộ… Ông Đình Công Duy, hội viên người khuyết tật Quận 8 bày tỏ băn khoăn về cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập phù hợp với điều kiện sức khỏe. Đặc biệt, sau khi được đào tạo (được trao cần câu), vấn đề tìm việc làm (tìm ao câu) dành cho người khuyết tật cũng không dễ. Cùng quan điểm, ông Lê Thanh Hùng, hội viên người khuyết tật huyện Củ Chi quan tâm những vấn đề liên quan đến chế độ hỗ trợ cho người khuyết tật khi tham gia học văn hóa, hỗ trợ dạy nghề, điều trị sức khỏe, chính sách ưu tiên khi làm việc tại doanh nghiệp. Cũng theo ông Hùng, vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử khi tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng, người khuyết tật chưa tiếp cận được hệ thống các siêu thị do không có xe lăn...
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Là thành viên dự án khởi nghiệp cùng người khuyết tật (quận Phú Nhuận), ông Nguyễn Hoàng Trung  kiến nghị các sở, ngành thành phố tạo điều kiện cho người khuyết tật thuê mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách. Đây sẽ là cơ hội tốt để người khuyết tật tham gia các hoạt động kinh doanh, hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Cũng tại buổi đối thoại, đại diện các sở, ngành thành phố ghi nhận các ý kiến góp ý và giải đáp những thắc mắc của người khuyết tật về những vấn đề liên quan; giới thiệu các văn bản quy định chính sách dạy nghề và việc làm, trợ cấp xã hội. Đại diện Sở Y tế thành phố công bố chương trình khám bệnh cho người khuyết tật tại nhà, điều trị bệnh phục hồi chức năng cho người khuyết tật miễn phí ở khu vực quận 4, 6, 8 và Tân Phú; Sở Thông tin và Truyền thông giới thiệu địa chỉ tư vấn pháp luật miễn phí cho người khuyết tật và thân nhân… Hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 51.000 người khuyết tật, trong đó gần 47.000 người được nhận trợ cấp xã hội thường xuyên và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Thành phố Hồ Chí Minh có 8 cơ sở bảo trợ xã hội công lập đang nuôi dưỡng tập trung gần 4.500 người khuyết tật neo đơn hoặc sống lang thang và 16 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 500 người khuyết tật./.
 Thanh Vũ
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm