Thành phố Hồ Chí Minh cần phát triển mạnh các chuỗi thực phẩm an toàn

Thành phố Hồ Chí Minh cần phát triển mạnh các chuỗi thực phẩm an toàn
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, nếu không phát triển được các chuỗi thực phẩm, không thể có được thực phẩm an toàn. Hiện Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ kiểm soát được phần ngọn, dừng lại ở truy xuất nguồn gốc, tương lai xa hơn là phải kiểm soát cả từ khâu con giống, nuôi trồng, thức ăn…
Đoàn công tác Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cùng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố, UBND quận 1 và các phòng chức năng có buổi khảo sát về điều kiện, cơ sở vật chất – khu vực kinh doanh thực phẩm tại chợ Bến Thành. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Đoàn công tác Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cùng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố, UBND quận 1 và các phòng chức năng có buổi khảo sát về điều kiện, cơ sở vật chất – khu vực kinh doanh thực phẩm tại chợ Bến Thành. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
  “Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần có những cách làm, mô hình mới trong việc quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống và  thức ăn đường phố bởi những khu vực này luôn tiềm ẩn những nguy cơ bất an về an toàn thực phẩm và là vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội từ lâu”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý. Báo cáo tại buổi làm việc, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện đơn vị này đang triển khai công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm một cách quyết liệt nhằm ngăn ngừa không cho thực phẩm bẩn vào Thành phố.  Thành phố đã thành lập 12 đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với các Đội Quản lý An toàn thực phẩm tại các quận huyện và liên tục phát hiện các vụ việc thực phẩm bẩn. Điển hình, trong ngày 23/1, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã phát hiện một kho lạnh chứa 4 tấn thịt lợn bẩn, không rõ nguồn gốc tại huyện Bình Chánh và ngay lập tức đã tiêu hủy số thịt này. Về công tác quản lý nguồn gốc một số mặt hàng thiết yếu, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã triển khai đề án truy xuất nguồn gốc của ba mặt hàng là thịt lợn, thịt gà và trứng gà. Hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 con lợn đã được truy xuất nguồn gốc thông qua các chợ đầu mối và siêu thị, phục vụ nhu cầu người dân. Dự kiến trong năm 2018, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng như thịt vịt và một số sản phẩm gia súc, gia cầm khác... Trước đó, trong sáng 24/1, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã đi kiểm tra thực tế hoạt động kinh doanh hương liệu, phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên (Quận 5). Theo Ban Quản lý chợ Kim Biên, hiện có 16 hộ đang kinh doanh hương liệu, phụ gia thực phẩm tại chợ. Cả 16 hộ này đều đồng ý chuyển sang kinh doanh tại Trung tâm hóa chất Thành phố khi Trung tâm này đi vào hoạt động. Tuy nhiên, bà Đặng Thị Thu Hà, Trưởng Ban Quản lý chợ Kim Biên cho biết, đa số các cửa hàng kinh doanh hương liệu, phụ gia tại chợ hiện không đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất do diện tích gian hàng quá chật hẹp, điều kiện bảo quản hương liệu, phụ gia không được đảm bảo. Ban Quản lý chợ Kim Biên đã vận động các tiểu thương chuyển đổi ngành nghề kinh doanh nhưng hiện mới chỉ được một hộ đồng ý chuyển đổi ngành hàng do tâm lý e ngại không có khách hàng, không thể cạnh tranh trên thị trường.
  Đinh Hằng

Có thể bạn quan tâm