Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận, đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ mầm non

Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận, đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ mầm non
Theo bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng bạo hành học sinh, nhất là các cháu mầm non vẫn diễn ra, khiến dư luận bức xúc. Do vậy, các cấp Mặt trận và các tổ chức thành viên cần tìm giải pháp để phát huy vai trò trong công tác phát hiện, giám sát và tố giác các địa chỉ có biểu hiện bạo hành, có nguy cơ mất an toàn cho trẻ, nhằm chấm dứt tình trạng bạo hành trẻ trong thời gian tới.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, qua giám sát của Mặt trận các quận, huyện về công tác chuẩn bị năm học mới, hầu hết các địa phương đều có kế hoạch huy động trẻ 5 tuổi trong diện đi học đang cư trú trên địa bàn vào trường mầm non theo tuyến. Các địa phương đều quy định các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập nhận trẻ 5 tuổi phải đủ giáo viên, trang thiết bị, thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, khó khăn hiện nay là thiếu trường mầm non công lập cho các bé. Hiện các bé 5 tuổi được huy động vào trường công lập, trong khi lứa tuổi dưới 5 rất vất vả khi xin vào trường công lập.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo công tác chuẩn bị năm học mới. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo công tác chuẩn bị năm học mới. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
   Ngoài ra, giờ giấc nhận trẻ của các trường công lập cũng không phù hợp cho phụ huynh là công nhân. Vì vậy, bên cạnh công tác quản lý các cơ sở mầm non ngoài công lập, ngành Giáo dục và các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở mầm non ngoài công lập hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Dự kiến năm học 2018 - 2019, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1.677.000  học sinh, tăng 67.234 học sinh so với năm học trước. Số học sinh tăng nhiều ở cấp mầm non (20.225 học sinh) và tiểu học (26.812 học sinh), tập trung tại các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh. Đây là những địa phương đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh nên tình trạng dân số tăng cơ học cao.
Đại diện Hội Cựu giáo chức Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Đại diện Hội Cựu giáo chức Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam, tính đến tháng 5/2018, Thành phố đã khởi công 79/80 dự án trường mầm non theo Chương trình huy động vốn, cho vay đầu tư xây dựng trường mầm non công lập trên địa bàn. Các trường này chủ yếu tập trung ở các địa phương có mức tăng học sinh mầm non cao. Ông Lê Hoài Nam cũng cho biết, Sở tiếp tục triển khai kế hoạch hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn (đang thực hiện tại quận 7, Bình Tân, Thủ Đức và huyện Củ Chi); đồng thời có kế hoạch đảm bảo cho trẻ 3-4 tuổi và trẻ độ tuổi nhà trẻ được đi học./.
 Tiến Lực
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm