Nâng cao hiệu quả hoạt động Đoàn trong các đơn vị ngoài nhà nước

Nâng cao hiệu quả hoạt động Đoàn trong các đơn vị ngoài nhà nước
Còn nhiều khó khăn    
Hiện thành phố có 3.076 tổ chức cơ sở Đoàn trong các đơn vị ngoài nhà nước với 69.936 đoàn viên và 1.529 tổ chức cơ sở Hội với 24.327 hội viên. Trong đó, 281/338 tổ chức cơ sở Đoàn tại doanh nghiệp ngoài nhà nước có từ 500 lao động trở lên, đạt 83,14% (vượt chỉ tiêu đề ra là 70%).   

Chia sẻ những kết quả đạt được về công tác xây dựng tổ chức Đoàn - Hội trong đơn vị ngoài nhà nước tại thành phố, Phó Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Quế Sơn cho biết, thời gian qua, đặc biệt 5 năm gần đây, công tác Đoàn - Hội trong đơn vị ngoài Nhà nước đã đạt được kết quả tích cực. Trong đó, số lượng đơn vị thành lập mới tổ chức Đoàn tăng nhanh, riêng giai đoạn 2013-2017, thành phố thành lập mới 1.103 tổ chức cơ sở Đoàn và 926 chi hội, phát triển mới 18.223 đoàn viên và 22.327 hội viên.
Đoàn thanh niên CNLĐ Thành phố phối hợp cùng Huyện đoàn Cần Giờ thực hiện cắm bảng đường dây nóng về giao thông, cấp cứu, vá xe lưu động trên tuyến đường Cần Giờ. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN
Đoàn thanh niên CNLĐ Thành phố phối hợp cùng Huyện đoàn Cần Giờ thực hiện cắm bảng đường dây nóng về giao thông, cấp cứu, vá xe lưu động trên tuyến đường Cần Giờ. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN

Bên cạnh đó, các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Đoàn - Hội; đổi mới phương thức tổ chức hoạt động, chăm lo đời sống và việc làm cho công nhân, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong đơn vị cũng được các cấp Đoàn - Hội chú trọng thực hiện. Đặc biệt, các cấp Đoàn - Hội đẩy mạnh hoạt động phát huy tinh thần xung kích của thanh niên, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị; qua đó thu hút, tập hợp được đông đảo thanh niên, tạo niềm tin với chủ doanh nghiệp.   

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và hoạt động Đoàn - Hội ở khu vực ngoài Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, từ việc thành lập chi đoàn mới cho tới nâng cao hiệu quả hoạt động các chi đoàn đã thành lập. Một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn này là các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và dành thời gian phối hợp tổ chức những hoạt động cho thanh niên công nhân.   

Phó Bí thư Quận đoàn Bình Tân Nguyễn Lê Trung Hiếu chia sẻ, các hoạt động Đoàn hiện nay chưa thực sự tạo niềm tin và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nên việc thành lập tổ chức Đoàn ở các đơn vị ngoài Nhà nước còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, do nhiệm vụ sản xuất kinh doanh là chủ yếu nên hoạt động Đoàn tại các doanh nghiệp ít được quan tâm, nhất là ở những doanh nghiệp có quy mô nhỏ...

Theo anh Nguyễn Lê Trung Hiếu, đây là khó khăn lớn cho cán bộ Đoàn trong tiếp cận và tổ chức hoạt động tại đơn vị. Thực tế trên địa bàn quận, trong số 19 doanh nghiệp ngoài Nhà nước có trên 500 lao động, còn 3 doanh nghiệp quận Đoàn đã tiếp xúc từ 3 năm nay, nhưng vẫn chưa thành lập được tổ chức Đoàn.   

Không chỉ khó khăn trong thành lập mới, việc tổ chức các hoạt động Đoàn tại các doanh nghiệp hiện cũng chưa thu hút, tập hợp được thanh niên công nhân.
 
Bí thư Đoàn Khối doanh nghiệp Công nghiệp Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh Cao Văn Đức cho biết, đoàn viên ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước thường biến động nên khó tập hợp vào tổ chức. Bên cạnh đó, mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng phương thức hoạt động Đoàn hiện nay cũng chưa thực sự phù hợp với công việc, giờ làm của công nhân, nên không dễ để thu hút thanh niên tham gia. Đặc biệt đội ngũ cán bộ Đoàn cũng có sự biến động nên việc xây dựng và triển khai hoạt động tại đơn vị chưa hiệu quả.

Đánh giá về hoạt động tổ chức Đoàn thanh niên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Võ Thị Dung cho rằng, thời gian qua, công tác Đoàn ở khu vực ngoài Nhà nước đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, các hoạt động này chưa thật sự đi vào chiều sâu, phương thức hoạt động chưa có nhiều đổi mới. Do vậy, việc thu hút thanh niên công nhân tự nguyện đến với tổ chức Đoàn cũng như tạo sự đồng thuận của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đây là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi các cấp ủy và cả hệ thống chính trị phải nỗ lực tổ chức thực hiện, nhất là khi Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.   
Khai trương Bảng thông tin mới chương trình “Chăm lo nhu cầu mua sắm của thanh niên công nhân tại khu lưu trú văn hóa” ở địa chỉ 130 Bờ Tuyến, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN
Khai trương Bảng thông tin mới chương trình “Chăm lo nhu cầu mua sắm của thanh niên công nhân tại khu lưu trú văn hóa” ở địa chỉ 130 Bờ Tuyến, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN

Cần hài hòa lợi ích “ba bên”    
Là đơn vị có nhiều doanh nghiệp trực thuộc, trong đó hầu hết doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước và doanh nghiệp liên doanh nước ngoài, nhưng hoạt động tại Đoàn Tổng Công ty cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (SAMCO) nhiều năm qua luôn đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và tổ chức hoạt động Đoàn tại đơn vị, anh Nha Ngọc Dũng, Bí thư Đoàn SAMCO cho biết, việc hài hòa lợi ích “ba bên” là yếu tố quan trọng nhất và cũng là mục tiêu, phương châm trong tổ chức các hoạt động Đoàn tại đơn vị. “Ba bên” ở đây gồm doanh nghiệp, thanh niên và tổ chức Đoàn - Hội.
 
Bám sát phương châm này, các hoạt động Đoàn tại đơn vị được tổ chức đa dạng phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp, nhu cầu của thanh niên công nhân. Cụ thể, các hoạt động Đoàn hướng tới việc đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; động viên người lao động nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ; xây dựng tác phong công nghiệp, nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, các hoạt động được tổ chức dựa trên nhu cầu, nguyện vọng của từng nhóm đối tượng thanh niên như tổ chức hoạt động tình nguyện tạo môi trường để thanh niên thể hiện sức trẻ, xung kích vì cộng đồng xã hội; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo không khí sôi nổi, qua đó gắn kết thanh niên lại gần nhau hơn…    Bên cạnh các hoạt động phong trào, hoạt động chuyên môn cũng được chú trọng lồng ghép dựa trên đặc thù từng ngành của doanh nghiệp. Trong đó, tùy từng doanh nghiệp có thể tập trung các phong trào như thi đua lao động sản xuất, nâng cao tác phong nghề nghiệp; đưa đoàn viên tham quan dây chuyền sản xuất hiện đại; hỗ trợ đoàn viên học tập nâng cao trình độ, tay nghề… giúp nâng cao hiệu quả lao động sản xuất. Những hoạt động này chứng minh được vai trò của tổ chức Đoàn và được lãnh đạo đơn vị đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn hoạt động hiệu quả.

Theo anh Cao Văn Đức, hoạt động Đoàn không chỉ là những hoạt động văn hóa, văn nghệ của thanh niên công nhân, mà còn góp phần cùng doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh. Vì vậy, Đoàn trực thuộc Đoàn Khối doanh nghiệp Công nghiệp Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm luôn đẩy mạnh các hoạt động thi đua lao động sản xuất giỏi, thu hút đông đảo thanh niên tham gia, góp phần nâng cao năng suất lao động tại đơn vị. Từ các phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhiều máy móc, quy trình sản xuất đã được cải tiến làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng…   
 
Tại mỗi cơ sở Đoàn trực thuộc cũng có những cách làm hay, phù hợp với thực tiễn như nhiều đơn vị đã thành lập quỹ học bổng để hỗ trợ thanh niên công nhân tiếp tục có điều kiện đi học nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề; một số đơn vị xây dựng quỹ hỗ trợ công nhân vay không lãi suất…

Kết quả từ những phong trào trên đã nâng cao vai trò của tổ chức Đoàn, tạo được niềm tin đối với chủ doanh nghiệp, đồng thời thu hút thanh niên công nhân tự nguyện đến với tổ chức. Chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động phong trào, anh Cao Văn Đức cho rằng: Chúng ta không thể “gom” chung mọi đối tượng để tổ chức một phong trào, sân chơi, mà cần lựa chọn dựa trên đặc thù đơn vị./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm