Mạnh tay xử lý “tín dụng đen”, đòi nợ thuê trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Mạnh tay xử lý “tín dụng đen”, đòi nợ thuê trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Diễn biến phức tạp
Đánh giá các hoạt động cho vay lãi nặng, "tín dụng đen" và các hành vi trái pháp luật liên quan vẫn diễn biến phức tạp tại thành phố, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường đấu tranh với các hành vi cho vay nặng lãi; tăng cường kiểm tra các công ty đòi nợ, dịch vụ cầm đồ núp bóng cho vay. Theo Thượng tá Nguyễn Quang Thắng, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Cơ quan Công an đã lên danh sách 600 đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng, đang thu thập tài liệu để xử lý.
Tờ rơi quảng cáo cho vay tiền được dán khắp nơi tại các điểm công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVNTờ rơi quảng cáo cho vay tiền được dán khắp nơi tại các điểm công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Tờ rơi quảng cáo cho vay tiền được dán khắp nơi tại các điểm công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Liên tiếp trong thời gian qua, lực lượng Công an đã bắt giữ nhiều đối tượng, triệt phá nhiều băng nhóm có hành vi vi phạm pháp luật. Gần đây vào ngày 6/11, Công an Quận 1 đã bắt giữ đối tượng Đinh Văn Thái (39 tuổi, quê Thanh Hóa, tạm trú Quận 3), là đối tượng trong nhiều ngày liên tiếp đã tới căn nhà trong hẻm 121 Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, Quận 1 ném mắm tôm, tạt sơn; qua tìm hiểu của phóng viên thì người được cho là đang nợ tiền của Thái đã không còn sinh sống tại đây. Bước đầu Thái khai nhận, do “con nợ” vay tiền với lãi suất 1,3%/tháng nhưng không chịu trả nên đối tượng làm vậy để “khủng bố” tinh thần.
 
Không chỉ dừng lại ở khủng bố tinh thần, các đối tượng cho vay nặng lãi còn có bắt giữ người trái pháp luật để đe dọa, hành hung. Ngày 30/10, Công an Quận 12 đã bắt giữ nhóm đối tượng Nguyễn Văn Năm, Đỗ Văn Chung (cùng 26 tuổi), Trần Văn Tuấn, Phạm Tuyên Hoàng (cùng 24 tuổi), Trần Văn Chiến (28 tuổi, cùng quê Vĩnh Phúc) để điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.
 
Cụ thể, vào chiều 27/10, nhóm của Năm đã bắt bắt giữ, khống chế và đánh đập chị V.A (33 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) để gây áp lực đòi nợ. Năm bắt chị V.A gọi điện cho chồng mang tiền đến trả cho chúng.

Nhận tin báo, Công an Quận 12 đã cử lực lượng truy xét, khống chế các đối tượng, giải cứu người phụ nữ an toàn. Công an quận 12 khám xét nơi ở của Năm và đồng bọn thu giữ nhiều giấy tờ, tờ rơi quảng cáo cho vay trả góp, chứng minh thư nhân dân, giấy đăng ký xe, hộ khẩu của nhiều người cùng 5 tờ giấy ghi nợ vay tiền.
 
Còn tại địa bàn quận Tân Phú, từ tháng 8/2018 đến nay, Công an quận Tân Phú đã bắt 3 băng nhóm giang hồ với 21 nghi phạm, do các đối tượng Hoàng Quốc Tuấn, Nguyễn Huy Long và Nguyễn Khắc Đức cầm đầu.

Đáng chú ý, trong quá trình bắt, khám xét nơi ở của băng nhóm cho vay do Nguyễn Khắc Đức cầm đầu, Công an quận Tân Phú phát hiện hơn 100 bộ hồ sơ, kèm giấy tờ tùy thân của các công nhân đang làm việc tại Công ty Pouyuen (quận Bình Tân).

Các nghi phạm này thừa nhận cho các công nhân vay ít nhất vài triệu đồng và cao nhất tới 20 triệu đồng/người. Đến nay, đã có hơn 150 nạn nhân đến Công an quận Tân Phú trình báo, tố cáo 3 băng nhóm giang hồ cho vay nặng lãi, đe dọa, khủng bố tinh thần người vay.

Điều này phần nào chỉ ra rằng, các băng nhóm “tín dụng đen” thường nhắm tới đối tượng là công nhân, sinh viên, hộ kinh doanh nhỏ… có nhu cầu gấp về tiền mặt.
 
Mới đây, ngày 12/11, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đang truy xét các đối tượng gây ra vụ án mạng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Cụ thể, bà Võ Ngọc O (57 tuổi, ngụ Quận 3) có vay tiền của một băng nhóm "tín dụng đen" nhưng gần đây mất khả năng chi trả. Chiều 8/11, nhóm này kéo đến nhà bà O ở hẻm 543, đường Nguyễn Đình Chiểu, Phường 2, Quận 3 để đòi tiền.

Bị gây áp lực, vợ chồng bà O lánh mặt trong nhà. Anh Võ Thanh Quân là con trai của bà O ra ngoài cự cãi rồi xảy ra ẩu đả với nhóm đòi nợ, bị đâm gục, tử vong tại chỗ.
 
Kiên quyết xử lý
Có thể thấy, tình hình phức tạp của hành vi ném chất bẩn vào nhà người khác một phần do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Theo Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), hành vi ném chất bẩn vào nhà bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng theo điểm a, khoản 2, Điều 7 Nghị định 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Băng nhóm “tín dụng đen” của Nguyễn Văn Năm bị Công an quận 12 bắt giữ ngày 30/10. Ảnh: TTXVNBăng nhóm “tín dụng đen” của Nguyễn Văn Năm bị Công an quận 12 bắt giữ ngày 30/10. Ảnh: TTXVN
Băng nhóm “tín dụng đen” của Nguyễn Văn Năm bị Công an quận 12 bắt giữ ngày 30/10. Ảnh: TTXVN
Theo một cán bộ Viện Kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh, để đấu tranh có hiệu quả, ngay khi tiếp nhận thông tin xảy ra vụ việc, Cơ quan Công an cần bảo vệ hiện trường, phối hợp tốt với Viện Kiểm sát thực hiện tốt công tác khám nghiệm hiện trường; tổ chức ngay các hoạt động điều tra xác minh ban đầu, xác định giá trị thiệt hại tài sản làm căn cứ để xử lý sau này.

Ngoài việc xác định hậu quả thiệt hại về tài sản cần lưu ý thu thập tài liệu chứng minh các hậu quả khác của hành vi đổ chất bẩn chất thải đối với gia đình bị hại như về sức khỏe, tinh thần, hậu quả đối với tình hình an ninh trật tự khu dân cư… để làm căn cứ đánh giá khi xử lý.
 
Về tình trạng “tín dụng đen” hoành hành, Thượng tá Nguyễn Quang Thắng, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các tổ chức “tín dụng đen” thường ngụy trang hành vi cho vay nặng lãi bằng các hợp đồng mua bán xe trả góp hoặc chỉ cần giữ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người vay...

Thủ đoạn này nhằm đối phó, Công an không thu thập được bằng chứng thể hiện việc vay mượn tiền. Điều đó dẫn đến nhiều hệ lụy bất ổn trong xã hội. Khi người dân không có khả năng trả nợ sẽ bị băng nhóm “tín dụng đen”, các công ty đòi nợ thuê biến tướng bắt giữ, tạt mắm tôm vào nhà, cố ý gây thương tích, đe dọa...
 
Dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên để hoạt động không chỉ cần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà còn phải có giấy chứng nhận điều điều kiện về an ninh trật tự do lực lượng Công an cấp theo Nghị định 96/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Trong đó, quy định cụ thể chỉ được “Tuyển chọn, sử dụng nhân viên dịch vụ đòi nợ phải là người không có tiền án về các tội giết người, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác và các tội xâm phạm sở hữu”. Tuy nhiên ghi nhận thực tế, các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê có rất nhiều nhân viên các đối tượng “giang hồ cộm cán”, có tiền sự.
 
Thượng tá Nguyễn Quang Thắng cho biết, trong thời gian tới, cùng với việc xử lý những kẻ cho vay nặng lãi, Công an Thành phố Hồ Chí minh sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra những công ty đòi nợ thuê biến tướng, có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Các công ty này thường sử dụng chiêu trò, đe dọa mang tính chất “xã hội đen”; trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ.
 
Tính đến cuối năm 2017, Thành phố Hồ Chí Minh có 65 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên, chỉ có 44 công ty hoàn tất thủ tục và được Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để hoạt động. Các công ty này vốn điều lệ lớn nhất là 200 tỷ đồng, thấp nhất là 2 tỷ đồng. Số doanh nghiệp còn lại không hoạt động tại địa điểm đã đăng ký.
 
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, UBND Thành phố đã kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. Nếu không thể cấm, thành phố đề nghị Trung ương ban hành các quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động, tránh tụ tập băng nhóm gây mất an ninh trật tự./.
Nguyễn Chung
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm