Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ đà tăng trưởng

Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ đà tăng trưởng
Đây là những nhận định khá ấn tượng về tình hình phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh được đưa ra tại kỳ họp về kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2018 do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 03/7.
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Trần Xuân Tình – TTXVN
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Trần Xuân Tình – TTXVN
 
Tại kỳ họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, kinh tế thành phố trong 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục tăng trưởng nhưng chậm. Thu ngân sách gần 184.000 tỷ đồng, đạt 48,69% so với dự toán. 
 
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 585.000 tỷ đồng, tăng 7,86%[1] (cùng kỳ tăng 7,76%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 510.190 tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ.
 
Về hoạt động xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố đạt 18,12 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2018 đạt 2.116.200 tỷ đồng, tăng 5,5% so cuối năm 2017 và tăng 12,79% so cùng kỳ, trong đó tổng dư nợ tín dụng đạt 1.893.400 tỷ đồng.
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đọc báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2018. Ảnh: Trần Xuân Tình – TTXVN
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đọc báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2018. Ảnh: Trần Xuân Tình – TTXVN
 
Đã có gần 21.500 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 248.987 tỷ đồng. Có 483 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 486,53 triệu USD được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản chiếm, bán buôn và bán lẻ…
 
Tuy kinh tế thành phố đạt được những kết quả khả quan nhưng vẫn bộc lộ một số điểm bất cập, đặc biệt đối với ngành công nghiệp. Ngay cả tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu cũng chỉ mới chiếm 10% trong tổng GRDP; trong đó, ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm chiếm 2,97%; cơ khí chế tạo chiếm 2,54%; hóa dược – cao su chiếm 2,33% và điện tử chiếm 2,17%.
 
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, công nghiệp thành phố, trong đó có 4 ngành công nghiệp chủ lực không thể phát triển bình bình, không có điểm nhấn, không thiết kế được môi trường và giải pháp, trong khi Chính phủ đã cho phép thành phố được phép chuyển dịch một số đất nông nghiệp sang đất phục vụ dịch vụ. Vì thế cần tính toán việc bố trí khu đất cho các doanh nghiệp công nghiệp khởi nghiệp, thu hút doanh nghiệp sử dụng hàm lượng khoa học, hạn chế việc sử dụng nhiều lao động.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu kết luận kỳ họp. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu kết luận kỳ họp. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN  
 
Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành liên quan cần thống kê số lượng doanh nghiệp công nghiệp có nguồn vốn 100 tỷ đồng; tổ chức hội nghị để lắng nghe doanh nghiệp chia sẻ khó khăn, trên cơ sở đó thành phố sẽ có các giải pháp tạo điều kiện thúc đẩy ngành công nghiệp.
 
“Quốc tế đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố phát triển năng động nhưng công nghiệp lại phát triển chậm chạp, chưa có sản phẩm chủ lực, gắn với thương hiệu thành phố. Trong các đợt công tác duyệt nhiệm vụ của các quận huyện, nhiều nơi  báo cáo ngành công nghiệp trên địa bàn tăng trưởng nhưng lại không xác định được sản xuất công nghiệp gồm những gì, sản phẩm nào là chủ lực. Không lý do gì Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp, đầu tàu kinh tế mà không có sản phẩm, thương hiệu công nghiệp của mình”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh./.
  Trần Xuân Tình

Có thể bạn quan tâm