Quản lý doanh nghiệp lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh:

Không để “con sâu làm rầu nồi canh”

Không để “con sâu làm rầu nồi canh”
“Con sâu làm rầu nồi canh”
Trái với nỗ lực của ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, gần đây, tại địa bàn xuất hiện những “con sâu” ẩn mình, tổ chức hoạt động bán tour du lịch cho khách hàng không đúng như quảng cáo, thậm chí nhận tiền đặt cọc, mua tour của khách hàng nhưng không tổ chức tour.
Du khách quốc tế tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Bưu điện Thành phố. Ảnh: An Hiếu – TTXVN
Du khách quốc tế tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Bưu điện Thành phố. Ảnh: An Hiếu – TTXVN
 
Cụ thể như Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ du lịch Sài Gòn Chợ Lớn (địa chỉ 25 Đào Duy Anh, Phường 9, quận Phú Nhuận) nhận tiền mua tour du lịch nước ngoài của khách hàng nhưng lại không tổ chức đi tour. Theo anh P.H.Duy (ngụ Quận 10), qua tìm hiểu thông tin trên mạng, những phản hồi (comment) của các nick trên mạng, anh Duy đã đặt cọc 75 triệu đồng đi du lịch Hàn Quốc từ ngày 6 - 10/8 cho Công ty này.

Nhưng đến gần sát ngày đi, đại diện Công ty cho biết visa của đoàn không thực hiện được nên không tổ chức tour. Dù vậy, anh Duy vẫn miễn cưỡng chấp nhận mất phí làm thủ tục visa (hơn 22 triệu đồng) nhưng Công ty Sài Gòn Chợ Lớn phải trả lại số tiền còn lại là hơn 50 triệu đồng cho anh. Tuy nhiên, khi liên hệ phía Công ty Du lịch Sài Gòn Chợ Lớn, họ liên tục hẹn ngày thanh toán và số tiền còn lại đến nay vẫn “bặt vô âm tín”.
 
Không chỉ riêng anh Duy, theo thống kê ban đầu, gần 50 du khách đã nộp đơn tố cáo công ty này nhận tiền nhưng không tổ chức tour, hoặc tổ chức tour nhưng không hoàn tiền ký quỹ cho khách.  Các khách hàng tố cáo, tổng cộng Công ty Du lịch Sài Gòn Chợ Lớn  đã nhận hơn 900 triệu đồng của khách hàng.
 
Tương tự, Công ty Du lịch Golux (địa chỉ 85 Nguyễn Hữu Cầu, quận 1) cũng bị nhiều người tố cáo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức nhận tiền tổ chức tour du lịch nước ngoài. Có khách hàng bị lừa mua tour du lịch nước ngoài đến hơn 900 triệu đồng, nhưng nhiều tháng qua, đại diện công ty này vẫn nói rằng sẽ trả lại tiền cho khách, chứ không quỵt tiền.
 
Đáng lưu ý hiện nay, khi gõ trang golux.vn trên mạng vẫn thấy hình ảnh, thông tin tour du lịch, giá cả rất hấp dẫn ngay trên trang chủ như: Du lịch Thái Lan đặc biệt (5 ngày 4 đêm) chỉ 5,5 triệu đồng; Du lịch Mỹ VIP (8 ngày 7 đêm) trọn gói chỉ 25,9 triệu đồng… Ngoài ra, còn có banner quảng cáo “mời gọi” như: “Mua từ 5 vé, giảm ngay 500.000 đồng”.
 
Phân tích tâm lý của du khách khi đặt mua tour và vì sao lại dễ dàng bị “sập bẫy”, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Marketing Công ty Du lịch TST Tourist cho rằng, giá rẻ chính là chính là yếu tố tâm lý quan trọng và có ý nghĩa quyết định khi khách muốn mua tour du lịch, nhất là mua nhiều người hay cho gia đình.

Khách hàng chỉ nghĩ đơn giản nếu họ mua 1 thì giá chỉ rẻ chút ít nhưng nếu mua nhiều hơn sẽ rẻ được vài chục đến vài trăm triệu đồng. Lợi dụng suy nghĩ này của người tiêu dùng, một số công ty kinh doanh lĩnh vực lữ hành không chân chính đã “giăng bẫy” chờ sẵn. Khách hàng không may gặp rủi ro, doanh nghiệp sẽ im lặng, hậu quả là khách hàng chịu thiệt.
 
Cần xử lý nghiêm
Thống kê từ Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến nay, trên địa bàn hiện có hơn 1.377 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động lữ hành quốc tế và nội địa trên địa bàn, tăng 124 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, Sở Du lịch đã thẩm định cấp giấy phép kinh doanh cho 9 hồ sơ lữ hành nội địa và 4 hồ sơ cấp phép Văn phòng đại diện lữ hành nước ngoài tại thành phố. Đồng thời, ban hành Kế hoạch 856/KH-SDL (ngày 18/6/2018) về triển khai cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa gửi đến các doanh nghiệp nhằm hiện thực hóa các quy định của Luật Du lịch năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
 
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, Thanh tra Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra 19 doanh nghiệp (lữ hành và lưu trú), trong đó, xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp như Công ty Trách nhiệm Hữu hạn MTV Du lịch Trâu Việt Nam; Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Du lịch Đông Phương Quốc tế về hành vi sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên du lịch trong lĩnh vực du lịch và 14 hướng dẫn viên không đeo thẻ khi hành nghề, sử dụng thẻ hướng dẫn viên hết hạn.
 
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành Văn hóa – Xã hội Thành phố kiểm tra các cơ sở kinh doanh lưu trú và các lĩnh vực khác; kết hợp với đoàn Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra 12 doanh nghiệp lưu trú và lữ hành. Ngoài ra, Sở phối hợp với Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội kiểm tra xử lý theo quy định đối với Công ty Cổ phần Du lịch và Hội chợ Thương mại Hà Nội, tổ chức đưa khách du lịch tham quan tại Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng hai hướng dẫn viên hướng dẫn khách quốc tế nhưng không có thẻ.
 
Thống kê trong năm 2017, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành thanh, kiểm tra 325 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và hoạt động hướng dẫn viên du lịch, trong đó phát hiện 141 doanh nghiệp vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 2,3 tỷ đồng; đồng thời, tước giấy phép lữ hành quốc tế của hai doanh nghiệp.
 
Chia sẻ về các vụ việc đáng tiếc xảy ra trên địa bàn, ông Nguyễn Minh Lý, Chánh Thanh tra Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngay khi tiếp nhận đơn tố cáo của người tiêu dùng, Thanh tra Sở Du lịch đã phối hợp với Phòng kinh tế (quận Phú Nhuận), xuống tận nơi để tìm hiểu sự vụ, thu thập chứng cứ, thông tin, thậm chí chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để khởi tố, làm rõ các sự vụ.

Thanh tra Sở Du lịch thành phố đã ra quyết định xử phạt theo quy định đối với doanh nghiệp này; đồng thời tiếp tục theo dõi, bám sát các hoạt động các công ty này trong việc giải quyết các cam kết trả tiền lại cho khách hàng, từ đó có hướng xử lý phù hợp.
 
Ông Nguyễn Minh Lý khuyến cáo người dân khi mua tour, không chỉ xem thông tin trên các trang điện tử của doanh nghiệp mà nên tham khảo giá, thông tin cụ thể từ nhiều nguồn như website chính thức của Sở Du lịch Thành phố; các trạm hỗ trợ thông tin du lịch hoặc liên hệ đến các doanh nghiệp lữ hành uy tín trước khi quyết định mua tour với số tiền lớn.
 
Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định để giữ vững thương hiệu là trung tâm du lịch, điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn của cả nước, ngành du lịch Thành phố sẽ làm hết trách nhiệm, quyền hạn xử lý các vi phạm của doanh nghiệp lữ hành; đồng thời tăng cường các hoạt động thanh tra, hậu kiểm đối với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
 
Thời đại công nghiệp 4.0 và giữa “biển” thông tin về các dịch vụ du lịch, lữ hành xuất hiện dễ dàng trên mạng internet mang đến nhiều thuận lợi cho khách hàng, thậm chí khách hàng sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng chỉ qua vài giây giao dịch trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên, việc “chọn mặt, gửi vàng” cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
 
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Mẫn cho rằng, trong xu hướng mở cửa và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội kinh doanh như hiện nay thì khó có thể siết chặt và hạn chế các hoạt động.

Thế nhưng, du lịch là ngành nghề hoạt động có điều kiện, phải có đủ năng lực quản lý, kinh nghiệm, ký quỹ, có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp vì vậy Luật Du lịch và cơ sở giám sát hoạt động, các cấp quản lý, các ngành liên quan cần tăng cường công tác đánh giá thường xuyên để nhận biết những dấu hiệu sai phạm của doanh nghiệp. Đăc biệt, cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý các sai phạm một cách triệt để, không để tình trạng này lặp đi lặp lại, gây hậu quả cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến phát triển hình ảnh của ngành du lịch trên địa bàn./.
                 Gia Thuận
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm