Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10:

"Hoa đất thép" giữa đời thường

"Hoa đất thép" giữa đời thường
Vượt khó vươn lên
Sinh năm 1950 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bà Võ Thị Trong tham gia vào Đội nữ du kích Củ Chi ngay từ rất sớm và đã cùng các nữ đồng đội trải qua hàng hàng trăm trận chiến đấu, chống càn, “diệt ác-trừ gian”, đấu tranh với địch trên các mặt trận chính trị, binh vận… góp phần giúp đội nữ du kích Củ Chi được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 9/2018 vừa qua.
Bà Võ Thị Trong (thứ 3 từ trái sang) và nguyên Chính trị viên Lê Thị Sương thay mặt Đội du kích Củ Chi đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 21/9/2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Xuân Khu - TTXVN
Bà Võ Thị Trong (thứ 3 từ trái sang) và nguyên Chính trị viên Lê Thị Sương thay mặt Đội du kích Củ Chi đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 21/9/2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Xuân Khu - TTXVN

Mất một cách tay do bị tra tấn trong những ngày bị địch bắt, giam cầm, nhưng với một cánh tay còn lại, bà Võ Thị Trong vẫn tiếp tục chiến đấu, chỉ huy và trực tiếp tham gia đánh giặc, diệt ác trừ gian, lập nên nhiều chiến công góp phần phần tạo dựng nên huyền thoại trong lòng đất của vùng “đất thép thành đồng”.
 
Sau ngày đất nước thống nhất, rời cây súng, bà Trong trở về với cuộc sống đời thường và đối mặt với vô vàn gian khó trên mảnh đất còn vương mùi thuốc súng. Phát huy truyền thống của người phụ nữ thời kháng chiến “Anh hùng-Bất khuất-Trung hậu-Đảm đang”, bà Trong quyết chí vượt lên những khó khăn của thương tật để vươn lên chiến thắng cái dốt, cái nghèo, tự mình gây dựng cuộc sống cho gia đình. Không thể kể hết những gian nan, khó khăn của những ngày bà bất chấp nắng, mưa mà đạp xe về tận Thủ Đức để theo học xong 12 lớp của chương trình văn hóa.
 
Không cam chịu cảnh đói nghèo, bà Trong quyết tâm phát triển kinh tế gia đình để ổn định cuộc sống và cũng để có điều kiện giúp đỡ người khác. Ban đầu bà vay mượn vốn của người thân, đồng đội, bạn bè để nuôi lợn, trồng rau, thả cá, trồng cây cảnh. Tích cực tìm tòi học hỏi kiến thức, kinh nghiệm cùng đức tính chăm chỉ, biết cách xây dựng kế hoạch làm ăn, giỏi thu vén, dành dụm mà kinh tế gia đình bà Trong ngày càng được cải thiện và trở nên khá giả “có của ăn của để”, nhà cửa khang trang, gia đình hạnh phúc.
 
Cũng nhờ kinh tế ổn định, bà Trong có điều kiện để tập trung tham gia công tác xã hội tại địa phương. Với thâm niên hơn hai mươi lăm năm tham gia công tác ở địa phương, bà Trong hiện vẫn đang là Tổ trưởng tổ dân phố khu phố 2 (phường Trung Mỹ Tây, quận 12), kiêm Phó ban công tác mặt trận, đỡ đầu cho Chi hội phụ nữ. Luôn năng nổ, nhiệt tình công tác, đi đầu trong các hoạt động từ thiện tại địa phương, bà Sáu Trong là tấm gương được bà con khu phố noi theo, quý trọng.
 
*Tất cả vì đồng đội
Là Trưởng ban liên lạc Đội cựu nữ du kích Củ Chi, bà Trong được coi là một trong những “đàn chị” của các cựu nữ du kích Củ Chi. Sau 5 năm thành lập, Ban liên lạc đã quy tụ được 57 thành viên là những cựu nữ du kích Củ Chi của các thời kỳ. Những nữ du kích ngày nào, giờ đã là bà ngoại, bà nội, nay đã có một nơi chốn để tập trung chia sẻ vui buồn. Cũng nhờ có mối liên lạc, qua lại thăm nom nhau mà các bà, các chị hiểu rõ hơn được hoàn cảnh mỗi người, cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống của những người đồng đội cũ.
Bà Võ Thị Trong chia sẻ về con heo tiết kiệm từ các nguồn bán hoa trái, cây thuốc để làm công tác từ thiện xã hội. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
Bà Võ Thị Trong chia sẻ về con heo tiết kiệm từ các nguồn bán hoa trái, cây thuốc để làm công tác từ thiện xã hội. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
 
Kể từ khi thành lập Ban liên lạc, bà Trong cùng các chị em trong Ban thường trực đã lặn lội đi tìm đến các đồng đội cũ, thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh của những người bạn đã một thời chung chiến hào mà nay mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một nỗi niềm. Day dứt trước những vất vả, khó khăn của đồng đội, bà Trong bàn bạc, thống nhất trong Ban thường trực cách thức hỗ trợ, giúp đỡ cho những chị em đang gặp khó khăn, quyết không để những đồng đội từng sống chết bên nhau ngày nào phải chịu khổ cực.
 
Chia sẻ về những hoạt động vì đồng đội, bà Trong cho biết, phát huy tinh thần đoàn kết của những người lính từng vào sinh ra tử, các cựu nữ du kích Củ Chi đã chung tay, kẻ ít người nhiều cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng, nhà hảo tâm để gây dựng những tổ ấm gia đình cho đồng đội. Đến nay, từ nhiều nguồn hỗ trợ và sự đóng góp của chính các chị em cựu nữ du kích Củ Chị, Ban liên lạc đã xây mới, sửa chữa được 6 ngôi nhà tình nghĩa, 10 nhà tình thương cho các đồng đội cũ. Ngoài ra, Ban liên lạc cũng đã vận động hỗ trợ, giúp đỡ cho các chị em đang cần vốn kinh doanh; chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, thăm hỏi tặng quà gia đình khó khăn và thân nhân các đồng đội đã hy sinh.
 
Trong những hoạt động đó, bà Trong luôn là người đi đầu, gương mẫu và tích cực hỗ trợ chị em đồng đội. Trực tiếp tham gia vận động, đóng góp tích cực về kinh phí xây dựng sửa chữa nhà cho các đồng đội cũ và cũng là người trực tiếp đến thăm hỏi các thành viên còn sống, dự đám giỗ các liệt sỹ của Đội nữ du kích năm xưa, cho dù ở gần ngay Hóc Môn, Củ Chi hay nơi xa như Bình Dương hoặc Đức Huệ (Long An).
 
Bà Lâm Thị Ngọc Thu (hiện ở Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi), thành viên Đội du kích Củ Chi, cho biết: “Nhờ có Ban liên lạc mà chị em chúng tôi có cơ hội gặp lại nhau, chia sẻ ngọt bùi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ai đó còn khó khăn thì chị em mỗi người một chút, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít rồi thì góp công, góp sức kêu gọi tài trợ để giúp đỡ lẫn nhau. Trong những công việc ấy, chị Trong luôn là người tiên phong, tích cực. Là một trong những người có điều kiện kinh tế nhất trong số các chị em, nên chị ấy cũng thường là người đóng góp tích cực nhất để giúp đỡ chị em đồng đội”.
 
Bươn trải với cuộc sống, hết mình với đồng đội, thế nhưng trong lòng bà Trong vẫn còn đau đáu, mong muốn thiết tha sớm tìm lại được 17 chị em của Đội còn mất liên lạc và mong cơ quan chức năng cấp cho một mảnh đất để xây dựng bia tưởng niệm cho 24 liệt sỹ thành viên của Đội đã hy sinh để góp phần làm nên kỳ tích anh hùng của đất thép Củ Chi.
Dù chỉ còn một cánh tay, bà Võ Thị Trong hàng ngày vẫn chăm sóc vườn cây thuốc Nam tại nhà. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
Dù chỉ còn một cánh tay, bà Võ Thị Trong hàng ngày vẫn chăm sóc vườn cây thuốc Nam tại nhà. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Là người theo dõi sát sao các hoạt động của các cựu nữ du kích Củ Chi, ông Huỳnh Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện Củ Chi cho rằng, dù đã ở tuổi 68 và là thương binh hạng 2/4, bằng những hoạt động tích cực giúp đỡ đồng đội của mình, bà Trong đã thể hiện xứng đáng với tám chữ vàng dành cho phụ nữ thời chống Mỹ: “Anh hùng-Bất khuất-Trung hậu-Đảm đang” và ngày nay là “Tự tin-Tự trọng-Trung hậu-Đảm đang”./.
                 Xuân Khu
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm