Giảm nghèo bền vững ở Thành phố Hồ Chí Minh (Bài cuối)

Giảm nghèo bền vững ở Thành phố Hồ Chí Minh (Bài cuối)
Để làm được điều đó, công tác giảm nghèo bền vững phải được gắn liền với quá trình quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức rất lớn nếu như không giải quyết được những “nút thắt” trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Anh Trần Văn Biển, ngụ tại số 154/164/3, đường Âu Dương Lân (phường 3, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn từ CEP. Ảnh: Anh Đức - TTXVN
Anh Trần Văn Biển, ngụ tại số 154/164/3, đường Âu Dương Lân (phường 3, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn từ CEP. Ảnh: Anh Đức - TTXVN
Bài 3 (tiếp theo và hết): Vượt qua thách thức để thực hiện tốt mục tiêu
Nhiều thách thức
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2016 thành phố có hơn 67.000 hộ nghèo và hơn 48.000 hộ cận nghèo, trong đó có hơn 53.000 hộ thiếu hụt trình độ nghề và gần 12.000 hộ thiếu hụt việc làm.
 
Cũng từ năm 2016, thành phố bắt đầu triển khai chương trình giảm nghèo đa chiều, tính đến nay đã kéo giảm được hộ nghèo xuống còn gần 22.000 hộ nghèo và hơn 36.500 hộ cận nghèo. Số hộ thiếu hụt trình độ nghề là gần 21.000 hộ và hơn 1.200 hộ thiếu hụt việc làm.

Có thể nói, qua số liệu nói trên đã cho thấy việc triển khai chương trình giảm nghèo bền vững đã đạt kết quả tích cực, trong đó thực hiện tốt tiêu chí công các đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng lao động qua đào tạo đã đạt chỉ tiêu thành phố đề ra.
 
Tuy nhiên, nếu đánh giá về chất lượng lao động thì bộc lộ nhiều thách thức khi có đến hơn 39.000 người được các trung tâm dạy nghề đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng với các loại hình nghề nghiệp như: điện dân dụng, điện tử, điện lạnh, may công nghiệp, điện lạnh...

Điều này dẫn đến trình độ tay nghề thấp, việc làm của người lao động sau đào tạo không ổn định và chương trình này cũng không đạt được định hướng chuyển dịch cơ cấu lao động sang công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ của thành phố.

Trong khi đó, theo nghiên cứu gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo về việc Việt Nam sẽ mất 5 triệu việc làm vào năm 2020 vì chất lượng nhân lực lao động chỉ đạt 3,79/10 điểm, đứng thứ 11/12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng và số cạnh tranh nhân lực chỉ đạt 4,3/10 điểm.
 
Có thể dẫn chứng thêm, nghiên cứu của ILO chỉ ra riêng ngành dệt may, da giày hiện đang là ngành thâm dụng lao động nhiều nhất tại Việt Nam sẽ có khoảng 86% công nhân ngành dệt may phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm của xu hướng tự động hóa.

Rõ ràng, với dẫn chứng này đã cho thấy một thách thức vô cùng lớn đối với công tác giảm nghèo bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh. Những thách thức nói trên càng nghiêm trọng hơn khi những năm qua năng suất lao động xã hội của thành phố, theo một số chuyên gia nhìn nhận không tăng, thậm chí có xu hướng giảm sút và ở mức thấp so với mức độ tăng trưởng kinh tế. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân rất quan trọng tác động đến năng suất lao động xã hội chính là tốc độ tăng dân số cơ học, gấp 1,5 lần so với tăng dân số tự nhiên của thành phố.
 
Chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm là “chìa khóa” quan trọng để phát triển kinh tế ổn định cho các hộ nghèo, cận nghèo. Do vậy, yêu cầu có những giải pháp nhằm để nâng cao chất lượng lao động và đáp ứng đúng yêu cầu của xã hội là hết sức cấp thiết ngay lúc này bởi công tác đào tạo nghề là một bước đi lâu dài, chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai.
Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên Quận 6 (Thành phố Hồ Chí Minh) là nơi đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở trình độ sơ cấp trong thời gian từ 3 - 6 tháng, theo hình thức kèm cặp nghề, truyền nghề, tập nghề, bồi dưỡng hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Năm 2017, trung tâm đã đào tạo nghề miễn phí cho khoảng 130 thành viên hộ nghèo Quận 6. Trong ảnh: Giờ học thực hành kỹ thuật may quần áo của các họ viên tại trung tâm. Ảnh: An Hiếu - DT&MN (TTXVN
Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên Quận 6 (Thành phố Hồ Chí Minh) là nơi đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở trình độ sơ cấp trong thời gian từ 3 - 6  tháng, theo hình thức kèm cặp nghề, truyền nghề, tập nghề, bồi dưỡng hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Năm 2017, trung tâm đã đào tạo nghề miễn phí cho khoảng 130 thành viên hộ nghèo Quận 6. Trong ảnh: Giờ học thực hành kỹ thuật may quần áo của các họ viên tại trung tâm. Ảnh: An Hiếu - DT&MN (TTXVN

Cần giải pháp mạnh
Một “nút thắt” dễ nhận thấy nhất chính là trước áp lực sinh kế, nhu cầu có việc làm “càng nhanh càng tốt” của người nghèo, cận nghèo nên những phương án đào tạo nghề ngắn hạn, sơ cấp thường được các đối tượng này ưu tiên lựa chọn.

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Thiềng Đức, Tổng công ty thương mại Sài Gòn cho rằng, cần phải có một cơ chế phối hợp nhịp nhàng giữa Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh với các khu công nghiệp, khu chế xuất, hiệp hội doanh nghiệp các ngành nghề để nắm bắt nhu cầu thực tế từ phía thị trường và có dự báo tốt về nhu cầu lao động để có định hướng đào tạo nghề phù hợp.
 
Vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thảo, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị đã đến lúc không còn dự báo chung chung, chẳng hạn như nhu cầu nguồn lao động của thành phố cho 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp cần đến 280.000 lao động. Mà cần phải cụ thể hóa dựa trên các căn cứ về sự phát triển của doanh nghiệp, xu hướng của doanh nghiệp để nắm được nhu cầu về trình độ mỗi ngành ra sao.
 
Như vậy, từ những yêu cầu giải pháp nói trên, một số ý kiến chuyên gia khuyến nghị Thành phố Hồ Chí Minh khi triển khai cần theo mô hình của các quốc gia phát triển. Cụ thể là phải có sự kết hợp của 3 phía, trong đó chính quyền giữ vai trò hướng dẫn kết nối, còn các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sẽ gắn với mục tiêu phát triển các ngành nghề ưu tiên, phù hợp quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
 
Với vai trò kết nối, các chuyên gia khuyến nghị chính quyền thành phố cần có cơ chế khuyến khích các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp đặt hàng lao động kỹ năng cụ thể, gắn với các cơ sở đào tạo. Chẳng hạn như các khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật là một ví dụ.
 
Bên cạnh đó, kiến nghị thành phố cần yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết tỷ lệ sử dụng lao động của Thành phố Hồ Chí Minh với các tiêu chí cụ thể và có những chính sách hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo phát triển các nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI.

Ngoài ra, cần hỗ trợ cho các cở sở đào tạo nghề nhằm đạt chuẩn xuất khẩu lao động trong khối ASEAN với các ngành nghề được tự do di chuyển gồm: nha khoa, điều dưỡng, xây dựng, kế toán, du lịch…
 
Song song đó, việc tuyên truyền để người nghèo, cận nghèo tiếp cận thông tin để chủ động từng bước chuyển đổi dần về suy nghĩ cần được đẩy mạnh hơn nữa. Cuối cùng, thông qua những sản phẩm tín dụng cho vay học nghề của các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng hội, đoàn… để người nghèo có thể thực hiện nhu cầu tự nâng cao trình độ lao động của mình.
 
“Hiện, đơn vị chúng tôi đang có sản phẩm tín dụng mới cho người nghèo, cận nghèo như: công nhân vay vốn để học đại học, điều dưỡng viên được vay vốn để nâng cao trình độ từ cao đẳng lên đại học. Việc làm này với mục tiêu nâng cao chất lượng lao động trong thị trường lao động quốc tế”, ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Giám đốc CEP dẫn chứng./.
 Anh Đức - Việt Âu
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm