Giải quyết vấn đề ngập nước do triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh

Giải quyết vấn đề ngập nước do triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh
Lý giải về tình trạng ngập nước diễn ra thường xuyên khi có triều cường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Văn Tài, kỹ sư xây dựng cầu đường, Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn thiết kế B.R cho biết: Tình trạng ngập khi có triều cường là do hiện nay mực nước triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1,6 m so với cao độ chuẩn quốc gia nhưng cao độ hiện nay của thành phố chỉ hơn 1m.

Do đó, khi triều cường dâng lên, hệ thống cống thoát nước nằm dưới thấp so với mực nước triều nên nước bị trào ngược lên trên gây ngập.

Một số địa bàn trũng thấp ở khu vực thành phố thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường như khu vực Quận 4, Quận 7, các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, nhất là các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, Lương Định Của, Trần Xuân Soạn... 
Để khắc phục vấn đề ngập lụt và gia tăng ngập lụt tại Thành phố Hồ Chí Minh, những năm qua, từ Trung ương đến thành phố đều đã có triển khai các chương trình, dự án với nhiều quy mô khác nhau. Tuy nhiên, thực tế các dự án này thực hiện quá chậm, bộc lộ nhiều hạn chế. Trong ảnh: Triều cương kết hợp với mưa lớn thường xuyên gây ngập nặng tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ- TTXVN
Để khắc phục vấn đề ngập lụt và gia tăng ngập lụt tại Thành phố Hồ Chí Minh, những năm qua, từ Trung ương đến thành phố đều đã có triển khai các chương trình, dự án với nhiều quy mô khác nhau. Tuy nhiên, thực tế các dự án này thực hiện quá chậm, bộc lộ nhiều hạn chế. Trong ảnh: Triều cương kết hợp với mưa lớn thường xuyên gây ngập nặng tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ- TTXVN

Theo ông Lê Văn Tài, hệ thống cống thoát nước lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Hàng Bàng có cao độ 1 m so với cao độ chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, so với mực nước triều cường, đòi hỏi cao độ hệ thống cống thoát nước là 1,6 m.

Để đạt được cao độ này cần nâng cao đường và hệ thống cống thoát nước, tốn rất nhiều chi phí, ảnh hưởng lớn đến nhà của người dân trong lưu vực. Điển hình như khi nâng đường và hệ thống cống đường Kinh Dương Vương (Quận 6, quận Bình Tân), nhà dân trở nên rất thấp so với mặt đường.

Nếu tất cả các tuyến đường phải cao 1,6 m so với cao độ chuẩn quốc gia, thực hiện đồng bộ với hệ thống cống thoát nước ở các tuyến đường thì chi phí cho giải pháp này là vô cùng lớn, đồng thời nhà dân ở các tuyến đường này cũng phải nâng cao nền cho phù hợp với mặt đường mới. Vì vậy, đây là giải pháp công trình khó khả thi.
 
Một giải pháp giảm ngập khác được đưa ra là xây dựng bờ kè dọc hai bên sông Sài Gòn tránh nước tràn vào khu vực trũng thấp. Tuy nhiên, chi phí đầu tư xây dựng bờ kè ven sông cũng rất lớn. Mặt khác nếu xây dựng bờ kè, khi triều cường dâng lên, nước sông vẫn tràn vào kênh rồi dâng lên các cống thoát nước và vẫn gây ngập.
 
Kỹ sư Lê Văn Tài chia sẻ: Để giữ nguyên cao độ khu vực các kênh thoát nước mà vẫn đảm bảo giảm ngập, thành phố đang thực hiện dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)”. Đây là một trong những giải pháp có tính khả thi cao, góp phần giảm ngập hiệu quả ở các địa bàn trũng thấp.
 
Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam là chủ đầu tư dự án trên. Dự án được triển khai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng.

Quy mô chính của dự án là đầu tư xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn gồm các cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và xây dựng 68 cống nhỏ dưới đê bao, 78 đê bao xung yếu khu vực sông Sài Gòn.

Mục tiêu của dự án là giải quyết vấn đề ngập do triều trên địa bàn thành phố với diện tích khoảng 570 km2 và hỗ trợ thoát nước cho hệ thống thoát nước hiện hữu khi mưa lớn kết hợp triều cường cao.
 
Đánh giá về tiến độ thực hiện dự án này, ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam cho biết: Đến nay, Công ty thực hiện dự án vượt tiến độ 10 tháng so với hợp đồng. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành vào tháng 6/2019 nhưng nếu nhận mặt bằng sớm, Công ty phấn đấu hoàn thành dự án vào tháng 9/2018.
 
Theo đánh giá của các kỹ sư về hiệu quả hệ thống cống kiểm soát triều chống ngập, thiết kế cho thấy, hệ thống cống kiểm soát triều có thể góp phần giảm ngập cho lưu vực các kênh. Tuy nhiên, khi đóng cống kiểm soát triều và bơm nước từ các kênh trong dự án ra sông Sài Gòn mực nước sông lại dâng cao lên, từ đó nước sẽ đổ vào các dòng kênh khác như Tham Lương, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, làm những khu vực này lại bị ngập do triều. Một khi các khu vực này bị ngập, nước lại đổ về khu vực trũng thấp ở lưu vực khu vực 6 kênh lớn đang thực hiện dự án và tiếp tục gây ngập.

Vì vậy, điều cần thiết là tiếp tục xây dựng hệ thống cống ngăn triều ở các kênh thoát nước còn lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo vấn đề giảm ngập bền vững do triều cường tại thành phố./.
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm