Đưa các mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả vào thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh

Đưa các mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả vào thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh
Theo ông Đỗ Việt Hà, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (AHTP), sau nhiều năm nghiên cứu và tập kinh nghiệm, hợp tác với các quốc gia có trình độ cao trong nông nghiệp, AHTP đã xây dựng được các quy trình trồng trọt, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến và nhất là làm chủ được công nghệ sản xuất ra hạt giống lai F1 của một số loại rau, quả có giá trị cao; trong đó, nhiều mô hình canh tác nông nghiệp đạt hiệu quả cao, phù hợp với nông nghiệp đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh.
Các nhà màng trồng dưa lưới giống Nhật Bản với diện tích lên đến 12.000 m2 tại Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Các nhà màng trồng dưa lưới giống Nhật Bản với diện tích lên đến 12.000 m2 tại Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Tại hội thảo, nhiều mô hình trồng trọt ứng dụng khoa học và công nghệ có thể phát triển bền vững tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng được chia sẻ và giới thiệu tới các hộ nông dân như: quy trình trồng dưa lưới trên gía thể trong nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt; kỹ thuật trồng cà chua bi nhóm sinh trưởng vô hạn trên giá thể trong nhà màng; công nghệ sản xuất và sơ chế rau ăn lá trong nhà màng theo chuỗi khép kín…. Hiện nay, nông nghiệp đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh đang dần hình thành và đã xác định được những cây con, ngành nghề dịch vụ chủ lực của nông nghiệp để đầu tư; trong đó, hoa lan là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả có tầm ảnh hưởng cả nước và trong khu vực. Ông Hoàng Đắc Hiệt, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã đem lại giá trị sản xuất cao hơn nhiều so với canh tác truyền thống. Cụ thể, sản xuất rau cao cấp đạt bình quân 400 triệu/ha/năm, cao gấp 2 lần bình quân chung; sản xuất hoa cao cấp đạt bình quân 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 1,6 lần bình quân chung. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nên đổi mới mô hình hỗ trợ nông dân, thay vì hỗ trợ vốn trực tiếp cho nông dân. Theo đó, nên có chính sách thông qua các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất các công cụ, vật liệu, giống, vật tư nông nghiệp… để thỏa thuận hỗ trợ nông dân theo phương thức đôi bên đều có lợi. Thành phố sẽ hỗ trợ để các hợp tác xã, doanh nghiệp có mối liên hệ với nông dân làm tốt việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất. Theo ông Trần Trường Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội nông dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố cần có chủ trương về việc tạo vốn đối ứng với nhiều hình thức cho hợp tác xã để tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hộ nông dân cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp và cũng là chủ thể trực tiếp sản xuất theo quy trình sản xuất khép kín trong chuỗi giá trị sản xuất giữa người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng./.
Tiến Lực
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm