50 năm Việt Nam - Campuchia:

Cứu sống bệnh nhân Campuchia mắc bệnh Lupus ban đỏ gây biến chứng tổn thương đa cơ quan

Cứu sống bệnh nhân Campuchia mắc bệnh Lupus ban đỏ gây biến chứng tổn thương đa cơ quan
Thông tin về ca bệnh này, chiều 27/7, bác sỹ Nguyễn Thái An - Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nam bệnh nhân Chum Chetra, 31 tuổi, quốc tịch Campuchia được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 26/6 trong tình trạng đau bụng, sốt dai dẳng kéo dài. Trước đó, bệnh nhân được Bệnh viện Nhân dân 115 chẩn đoán mắc Lupus ban đỏ hệ thống nhưng điều trị không giảm. 
Bác sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh thăm khám cho bệnh nhân Chum Chetra, 31 tuổi, quốc tịch Campuchia. Ảnh: Phương Vy – TTXVNBác sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh thăm khám cho bệnh nhân Chum Chetra, 31 tuổi, quốc tịch Campuchia. Ảnh: Phương Vy – TTXVN
Bác sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh thăm khám cho bệnh nhân Chum Chetra, 31 tuổi, quốc tịch Campuchia. Ảnh: Phương Vy – TTXVN

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sỹ đã thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhân mắc Lupus ban đỏ hệ thống gây biến chứng rối loạn huyết học, suy tim, viêm cơ tim, nhiễm trùng huyết và nặng nhất là nhiễm trùng tim; trong đó, tình trạng nhiễm trùng tim đã gây ra áp xe động mạch chủ tạo thành ổ mủ ngay trong tim bệnh nhân. “Ổ mủ này có thể bị vỡ bất cứ lúc nào và bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong nếu không được giải quyết kịp thời” - bác sỹ Nguyễn Thái An nhận định.
 
Sau khi hội chẩn các chuyên khoa Nội khớp, Bệnh nhiệt đới, Hồi sức phẫu thuật tim, Nội tim mạch, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Trước đó, để tăng sức đề kháng cho bệnh nhân, các bác sỹ phải sử dụng kháng sinh mạnh, kháng nấm, corticoid và Imunoglobuline nhằm đẩy lùi bớt Lupus ban đỏ.
 
Ngày 10/7, các bác sỹ tiến hành phẫu thuật giải phóng áp xe gốc động mạch chủ, đồng thời thay van động mạch chủ cơ học, thay động mạch chủ đoạn lên và cắm lại 2 lỗ vành. Bác sỹ Nguyễn Thái An cho hay: “Việc phẫu thuật giải phóng áp xe, thay van động mạch chủ không khó nhưng điều chúng tôi lo ngại là sau khi phẫu thuật xong, tim bệnh nhân không thể đập trở lại. Do đó, chúng tôi đã phải sử dụng đến kỹ thuật ECMO (kỹ thuật tuần hoàn máu ngoài cơ thể) trợ giúp cho tim bệnh nhân”.
 
Ca mổ kết thúc sau 6 giờ và 7 ngày sau mổ, với sự trợ giúp của hệ thống ECMO, tim của bệnh nhân đã đập trở lại bình thường. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã tạm ổn và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị bằng kháng sinh.
 
Theo bác sỹ Nguyễn Đình Khoa, Trưởng khoa Nội khớp (Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh), bệnh Lupus ban đỏ có thể gây ra các tổn thương nhiều cơ quan như tràn dịch màng tim, viêm cơ tim, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, viêm cầu thận, co giật, rối loạn tâm thần, thiếu máu, xuất huyết… và có thể gây tử vong. Bệnh thường gặp đa số ở người dưới 40 tuổi, đặc biệt tỷ lệ nữ giới mắc bệnh này cao hơn nam giới đến 7-8 lần./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm