Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khảo sát đề án thực nghiệm xây dựng Nhà máy điện - rác Gò Cát

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khảo sát đề án thực nghiệm xây dựng Nhà máy điện - rác Gò Cát
Qua khảo sát thực tế, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định: Công nghệ điện rác là một trong những công nghệ hiện đại đã được các bộ, ngành Trung ương kiểm định, chứng nhận và đánh giá. Để triển khai sản xuất điện hàng loạt từ rác thải, phải qua kiểm nghiệm thực tiễn như đang thực nghiệm tại Khu xử lý chất thải rắn Gò Cát, từ kết quả thực nghiệm sẽ có sự đánh giá, thẩm định của các chuyên gia, nhà khoa học. Công nghệ điện rác vừa có thể xử lý rác thải sinh hoạt vừa xử lý được rác công nghiệp thành điện, có thể giải quyết được vấn đề xử lý rác sinh hoạt (8.600 tấn/ngày và rác công nghiệp (1.500 tấn/ngày) tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay cũng như triển khai ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.  
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Hải – TTXVN
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Hải – TTXVN
 Thành phố hiện có nhiều doanh nghiệp đăng ký thực hiện dự án xử lý rác thành điện với các phương pháp khác nhau. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho phép Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy lực – Máy tiếp tục thử nghiệm đến hết tháng 8, sau đó báo cáo kết quả để lãnh đạo thành phố có hướng thẩm định và đưa ra quyết định lựa chọn đơn vị triển khai thực hiện xử lý rác thành điện trên địa bàn thành phố. 
 
Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy lực – Máy cần lấy mẫu thử trong quá trình thực nghiệm ngay tại Khu xử lý chất thải rắn Gò Cát để phân tích các chỉ tiêu về môi trường. Qua khảo sát thực tiễn, khu thực nghiệm vẫn có mùi, cần lắp đặt hệ thống khử mùi. Các bể chứa khí cần lắp đặt thiết bị dò rò rỉ khí nhằm đảm bảo vấn đề an toàn cháy nổ. Sau khi thực nghiệm công nghệ điện rác với rác thải công nghiệp không nguy hại, cần tiến hành với rác thải nguy hại, rác thải sinh hoạt và rác thải đã chôn lấp tại bãi. 

Theo báo cáo, đầu năm 2017, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy Lực - Máy đề xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đề án thực nghiệm “Xây dựng Nhà máy điện - rác Gò Cát”, chuyển hóa chất thải rắn công nghiệp thành năng lượng xanh (điện rác) tại Khu xử lý chất thải rắn Gò Cát với quy mô công nghiệp nhằm hòa lưới điện quốc gia (trung thế) 3.500V hoặc 6.600V. Đề án thực nghiệm nhà máy điện - rác sử dụng hoàn toàn công nghệ của Việt Nam do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy Lực - Máy nghiên cứu và sản xuất.  
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tham quan khu vực thử nghiệm công nghệ khí hóa phát điện tại bãi chôn lấp Gò Cát. Ảnh: Hoàng Hải – TTXVN
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tham quan khu vực thử nghiệm công nghệ khí hóa phát điện tại bãi chôn lấp Gò Cát. Ảnh: Hoàng Hải – TTXVN
Ông Nguyễn Gia Long, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy Lực – Máy, cho biết, từ khi bắt đầu thực nghiệm đến nay, nhà máy đã xử lý ép viên 500 tấn rác công nghiệp không độc hại làm nhiên liệu và chuyển hóa 35 tấn rác thành 7 MW điện hòa vào lưới điện quốc gia. Bản chất của công nghệ điện rác là chuyển hóa các vật chất từ dạng rắn sang dạng khí bằng phương pháp nhiệt hóa trong điều kiện thiếu oxy, không đốt nên không có nước thải, không mùi hôi và không khói bụi, đảm bảo hoàn toàn các vấn đề về môi trường.  
 
Hiện công ty đang lập đề án xử lý điện rác từ rác thải sinh hoạt với công suất chuyển hóa 1.000 tấn rác sinh hoạt/ngày thành 20 MW điện. Theo đó, công đoạn tiền xử lý, tách mô mềm, tạo viên nén từ rác thải sinh hoạt được thực hiện tại Phước Hiệp (huyện Củ Chi) sau đó chuyển về Nhà máy điện- rác Gò Cát để sản xuất, tạo thành dòng điện xanh. Với rác thải đã qua chôn lấp, có thể tiến hành thực nghiệm trước với lượng rác thải đang chôn lấp tại Gò Cát./. 
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm