Long An: Chuyển biến tích cực trong công tác xét xử

Long An: Chuyển biến tích cực trong công tác xét xử
Theo báo cáo, từ năm 2006 đến tháng 6/2016, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân 2 cấp (cấp tỉnh và cấp huyện) đã phối hợp lựa chọn và tổ chức xét xử 650 phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó có 414 vụ án hình sự và 236 vụ án dân sự.

Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp đã đem lại hiệu quả thiết thực, làm chuyển biến tích cực nhiều mặt trong công tác xét xử, chất lượng các phiên tòa được nâng lên, nhất là sau khi Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh có kết quy chế tạm thời về “Phối hợp xét xử án hình sự theo tinh thần cải cách tư pháp”.
Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh tặng hoa các tập thể được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2006-2016. Ảnh : Bùi Như Trường Giang - TTXVN
Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh tặng hoa các tập thể được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2006-2016. Ảnh : Bùi Như Trường Giang - TTXVN
Qua phiên tòa và các ý kiến tham gia đóng góp rút kinh nghiệm sau xét xử đã giúp các thẩm phán, kiểm sát viên, hội thẩm nhân dân, thư ký phiên tòa thấy được những ưu, nhược điểm trong công tác xét xử, thực hiện quyền công tố, kiểm sát xét xử. Từ đó trao đổi, rút kinh nghiệm trong toàn thể đội ngũ cán bộ tư pháp về nâng cao kỹ năng xét xử, khả năng tranh tụng và chất lượng tranh tụng; rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng phiên tòa, giảm tỷ lệ án bị hủy, nâng cao tính thuyết phục của bản án được tuyên… 

Tuy nhiên, việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp vẫn còn một số điểm tồn tại, hạn chế. Đó là việc lựa chọn các vụ án xét xử ở một số nơi chưa đồng nhất, thiếu hợp lý. Thủ tục một số phiên tòa còn chưa tập trung, thiếu tính chuyên nghiệp. Một số kiểm sát viên còn có tâm lý ngại tranh luận, thiếu tự tin xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa. Một số luật sư khá gay gắt, thiếu kiềm chế trong bào chữa. Công tác tổ chức họp rút kinh nghiệm chưa mở rộng thành phần tham dự nên việc góp ý trực tiếp cho kết quả phiên tòa có lúc chưa sâu, chưa đầy đủ…

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Long An Phạm Văn Rạnh đánh giá cao kết quả mà các cơ quan, đơn vị đạt được trong việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nói riêng, công tác cải cách tư pháp nói chung. Đồng thời yêu cầu các đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, các chỉ đạo của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương và tỉnh để từ đó đề ra các giải pháp thiết thực, hợp lý trong việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm.

Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp trong tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; cán bộ có chức danh tư pháp cần đổi mới tư duy, nâng cao năng lực trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng xét xử.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền và cơ quan tư pháp cần thường xuyên theo dõi, bám sát để kịp thời xử lý những vướng mắc, tồn đọng trong công tác xét xử. Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.


Dịp này, UBND tỉnh Long An đã tặng bằng khen cho 17 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2006-2016./.
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm