Sống lại một Hà Nội xưa nơi Hoàng thành Thăng Long

Sống lại một Hà Nội xưa nơi Hoàng thành Thăng Long
Sống lại một Hà Nội xưa nơi Hoàng thành Thăng Long ảnh 1
Cổng vào với biểu tượng Khuê Văn Các sẽ được tái hiện trong chương trình.
Sống lại những ngày xưa “Ký ức Hà Nội”, do Sở Du lịch, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Công ty Cổ phần Truyền thông DC phối hợp triển khai; như tiết lộ của BTC, sẽ là không gian để thế hệ những người lớn tuổi hoài niệm về một miền ký ức sâu lắng; thế hệ trẻ được tìm hiểu và trải nghiệm về một Hà Nội xưa với những dấu ấn vàng son một thuở là điểm đến cho khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Hà Nội tham quan, thưởng lãm, khám phá tinh hoa của hương đất và hồn người Hà Nội được gìn giữ đến hôm nay và mãi lưu truyền tới mai sau. Chương trình sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ 30/12/2015 đến 4/1/2016, tại một không gian cũng thấm đậm ký ức Hà Nội: Khu Di sản Văn hóa Thế giới – Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội; với một loạt các hoạt động triển lãm, nghệ thuật sắp đặt không gian phố cổ, làng cổ, dấu ấn về kiến trúc, nghệ thuật hoa, cây cảnh, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người Thăng Long “khéo tay nghề - đất lề kẻ chợ”, ẩm thực Hà Nội, chợ phiên, trình diễn trang phục Hà Nội xưa, nghệ thuật cắm hoa và các hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội dân gian của Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, có 4 hoạt động chính: Triển lãm và nghệ thuật sắp đặt; trang trí mỹ thuật 3D; các hoạt động văn hóa nghệ thuật và tổ chức đón vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đến Hà Nội năm 2016.
Sống lại một Hà Nội xưa nơi Hoàng thành Thăng Long ảnh 2
Ô Quan Chưởng, một biểu tượng của Thủ đô tại chương trình.
Là hoạt động được BTC quan tâm nhất, nên có tới 11 nội dung chính được tái hiện thông qua nghệ thuật triển lãm và sắp đặt. Đó là bộ sưu tập hình ảnh giới thiệu về văn hóa, di tích - danh thắng, hình ảnh phố phường Hà Nội xưa, hình ảnh về làng nghề, phố nghề, sinh hoạt đời thường cùng nét văn hóa truyền thống độc đáo của Hà Nội nghìn năm văn hiến mang tên “Ký ức Hà Nội xưa”. Những bức ảnh này hầu hết do người Pháp chụp vào thời gian cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ghi lại một Hà Nội rất thanh lịch, hiền hòa, sâu lắng. Cùng với đó là nội dung “Dấu ấn thời gian”, nơi BTC tạo dựng Cổng Ô Quan Chưởng- Là cửa ô duy nhất còn sót lại của Kinh thành Thăng Long, không chỉ mang vẻ đẹp về mặt kiến trúc, mà còn in đậm đấu ấn lịch sử Hà Nội xưa; và Khuê Văn Các- biểu tượng của Hà Nội nghìn năm văn hiến, thể hiện tầm nhìn về giáo dục và mang đậm tinh thần khuyến học của đất Thăng Long. Đặc biệt, nói đến Hà Nội không thể quên được khu phố cổ Hà Nội, bởi vậy, ở sự kiện này, BTC sẽ tạo dựng một số khu phố cổ với các tên phố có chữ “Hàng” như Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Đồng, Hàng Khay, Hàng Trống hay các phố như Lãn Ông, Bát Đàn, Hàng Đồng, Cầu Gỗ và Hàng Lược; với những ngôi nhà mái nâu, tường vôi vàng, những quán cóc, những gánh hàng hoa, xe đạp hoa, rồi tiếng kéo lách cách phát ra từ các bác thợ cắt tóc góc phố…  “Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, rất nhiều thứ của Hà Nội xưa giờ đã thay đổi hoàn toàn, nhất là các phương tiện giao thông công cộng. Có một thời ở Hà Nội, xe tay, xích lô, tàu điện, xe đạp là những phương tiện giao thông chủ yếu. Bây giờ, cho dù không còn bóng dáng, nhưng hình ảnh về những ga xe điện Bờ Hồ và những đoàn tàu chạy leng keng trên phố, hay những chiếc xe kéo tay, xe xích lô vẫn được coi là một đặc trưng, một biểu tượng và một phần linh hồn của phố phường Hà Nội một thời đã xa… Chương trình sẽ tạo dựng mô hình các phương tiện giao thông xưa như xe kéo, tàu điện, xích lô - linh hồn của phố phường Hà Nội – các phương tiện giao thông một thời đã hằn sâu trong ký ức những người đứng tuổi, là mong muốn trải nghiệm trực tiếp của những người trẻ tuổi”, đại diện BTC chia sẻ.Quảng bá cho du lịch Thủ đô Không chỉ với sự kiện đón vị khách đầu tiên đến với Thủ đô năm 2016 trong một buổi lễ trang trọng tại Hoàng Thành Thăng Long; mà mỗi sự kiện, chương trình trong “Ký ức Hà Nội” cũng đều nhắm tới mục tiêu quảng bá du lịch, giới thiệu một “chủ nhà Hà Nội” thân thiện, mến khách, khó quên.
Sống lại một Hà Nội xưa nơi Hoàng thành Thăng Long ảnh 3
Tái hiện khu phố cổ Hà Nội với những nét đặc trưng nhất.
Đó là 25 gian hàng từ các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú, hàng không sẽ có mặt trong chương trình để giới thiệu những chương trình đặc sắc và mang đến những ưu đãi bất ngờ cho du khách tham dự trực tiếp sự kiện. Đó cũng là chương trình “Ẩm thực Hà Nội” với ba món ăn đặc trưng của Hà Nội là phở, bún thang và chè; do nghệ nhân ẩm thực Phạm Ánh Tuyết đảm nhiệm. Cùng với đó là khu vực “Bia Hà Nội”, mô phỏng lại cách uống bia mậu dịch, không chỉ khiến cho thế hệ lớn tuổi nhớ lại kỷ niệm một thời khó quên, mà còn đem đến cho du khách những cảm nhận thú vị.
Và cuối cùng, không thể bỏ qua là “Không gian trải nghiệm”, nơi du khách tham dự, đặc biệt là giới trẻ, các em bé, được hướng dẫn và tham gia trực tiếp các trò chơi dân gian và được hướng dẫn làm các đồ chơi truyền thống của Hà Nội xưa. Người tham dự có cơ hội được hướng dẫn chơi các trò chơi dân gian hấp dẫn không chỉ trẻ em Hà Nội ngày đó như: chơi chuyền, ô ăn quan, bắn bi, làm cào cào lá, chuồn chuồn tre, nặn tò he… Các trò chơi tập thể được trải nghiệm ngay tại không gian chương trình hứa hẹn mang lại nhiều điều thú vị gồm: bịt mắt bắt dê; mèo đuổi chuột; thả đỉa ba ba; rồng rắn lên mây hay các trò chơi đá cầu; kéo co; nhảy dây; ném lon; cướp cờ. Đi với các trò chơi là những bài hát đồng dao sẽ được tái hiện và trải nghiệm ngay tại chương trình. Riêng ngày chủ nhật (3/1/2016), sẽ có sự tham gia hướng dẫn trực tiếp của các nghệ nhân Hà Nội hướng dẫn làm đồ chơi dân gian và nhóm các nghệ nhân Làng diều Bá Giang hướng dẫn làm diều và thả diều truyền thống.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm