Hà Nội phát động giải thưởng VIFOTEC năm 2017

Hà Nội phát động giải thưởng VIFOTEC năm 2017
Theo đó, các đề tài, công trình khoa học năm 2017 của thành phố vẫn tập trung vào 6 lĩnh vực là cơ khí và tự động hóa; công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông; công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ vật liệu; công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên và công nghệ năng lượng.

Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Liên hiệp hội Hà Nội và các sở, ban, ngành phổ biến, tuyên truyền ý nghĩa của giải thưởng và thể lệ các thủ tục tham gia giải thưởng. Cùng với đó vận động, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các Hội thành viên, các đơn vị sản xuất, dịch vụ của Nhà nước và tư nhân, các cá nhân, các nhà khoa học có những đề tài, công trình khoa học mang giá trị khoa học và thực tiễn cao tham gia giải thưởng. Đồng thời, thực hiện đầy đủ bản kế hoạch và thời gian cụ thể tiến hành triển khai Giải thưởng 2017, đảm bảo đúng ngày 15/10/2017 gửi hồ sơ các đề tài, công trình dự giải thưởng lên Ban tổ chức Giải thưởng VIFOTEC Việt Nam.

Năm 2016 thành phố Hà Nội có 9 đề tài tham dự chủ yếu liên quan đến lĩnh vực công nghệ ứng phó biến đối khí hậu và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; công nghệ vật liệu và tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới; công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống. So với năm 2015 thì số lượng đoạt giải năm 2016 nhiều hơn, chất lượng cao hơn. Cụ thể, đã có 8 đề tài đoạt giải gồm 3 giải Nhất; 1 giải Nhì; 1 giải Ba và 3 giải Khuyến khích.

Đặc biệt có 2 đề tài đạt giải WIPO (Giải thưởng của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới giành cho công trình xuất sắc nhất). Đó là công trình “Thâm canh trồng sả trên vùng đất chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để thu tinh dầu phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bã thải sau chưng cất” của tác giả Tiến sỹ Lê Văn Tri và cộng sự tại Công ty cổ phần công nghệ sinh học Hà Nội và công trình “Chế tạo tàu khách bằng vật liệu PPC với 56 chỗ ngồi” của tác giả Nguyễn Kim Sơn và cộng sự tại Công ty cổ phần công nghệ James Boat. Đây là hai công trình được nghiên cứu, chế tạo có khả năng áp dụng ở quy mô công nghiệp, có giá trị khoa học, kinh tế xã hội cao mang lại hiệu quả và thay thế được những sản phẩm hay công nghệ nhập ngoại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thủ đô và đất nước.
Diệu Thúy

Có thể bạn quan tâm