Hà Nội di dân, giải phóng mặt bằng để hoàn trả không gian di tích

Hà Nội di dân, giải phóng mặt bằng để hoàn trả không gian di tích
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong tổng số 5.922 di tích tại Hà Nội có gần 200 di tích có các cơ quan, đơn vị, hộ dân sống trong khu vực di tích. Những di tích này tập trung chủ yếu ở các quận nội thành cũ của Hà Nội như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Tại nhiều di tích có hàng chục hộ dân sinh sống từ nhiều đời nay, xây nhà kiên cố, nhiều thế hệ nối tiếp nhau được sinh ra; điển hình như tại chùa Đồng Quang (quận Đống Đa), cụm chùa Quang Hoa – Thiền Quang – Pháp Hoa (quận Hai Bà Trưng)…

Quá trình xâm phạm di tích diễn ra nhiều nhất vào những năm 60 – 70 của thế kỷ trước. Nguyên nhân chủ yếu là do người đi kinh tế mới trở về hoặc các gia đình ngoài bãi sông Hồng chạy lụt vào ở nhờ di tích. Nhiều trường hợp, con cháu, người quen của người trông nom di tích vào ở, cũng có nhiều người tự ý vào ở đình, đền, chùa. Cũng theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, từ năm 2012 đến nay, hầu như không có trường hợp nào tự ý vào ở trong đất di tích.

Thực hiện Luật Di sản Văn hóa, những năm gần đây, nhiều địa phương thực hiện công tác di dân, giải phóng mặt bằng, hoàn trả không gian di tích đồng thời tu bổ, tôn tạo di tích. Quận Hoàn Kiếm đã thực hiện di dân và tu bổ di tích chùa quán Huyền Thiên, đình Kim Ngân, đình Đông Thành… Quận Hai Bà Trưng thực hiện việc di dân tại chùa Liên Phái, chùa Hòa Mã, đền Hai Bà Trưng…; quận Đống Đa thực hiện với chùa Quang Minh, đền – chùa Huy Văn…; quận Ba Đình thực hiện di dân tại chùa Ngũ Xã…

Sau khi di dân và tu bổ, tôn tạo di tích, nhiều chùa, đình, đền trở nên khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhu cầu tâm linh của người dân. Tuy vậy, số lượng di tích có các cơ quan, đơn vị, hộ dân đang sinh sống còn khá nhiều nhưng việc di dân giải phóng mặt bằng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí và quỹ nhà tái định cư.
Đinh Thị Thuận

Có thể bạn quan tâm