Đánh thức vốn quý của di sản Hà Nội – Bài 3

Đánh thức vốn quý của di sản Hà Nội – Bài 3
Bài 3: Chung tay bảo tồn vốn quý

So với di sản văn hóa vật thể, di sản phi vật thể có phần thiệt thòi hơn về sự quan tâm đầu tư cũng như khả năng khai thác giá trị, thu hút du khách. Hơn lúc nào hết, “hồn cốt” Thăng Long – Hà Nội đang rất cần cả cộng đồng lẫn các cơ quan chức năng chung tay gìn giữ, phát huy để lan tỏa các giá trị quý.

Vượt khó để giữ di sản

Trên thực tế, việc khôi phục di sản đã khó nhưng việc phát huy giá trị di sản cũng gặp không ít gian nan bởi ngoài cuộc sống ở cộng đồng làng xã, di sản văn hóa chỉ phù hợp với một bộ phận người yêu văn hóa truyền thống. Việc đưa di sản văn hóa ra ngoài không gian làng xã có lẽ không được nhiều, ngoại trừ một số sự kiện văn hóa, đích thân Ban tổ chức sự kiện đứng lên mời. Thế nhưng trong cả năm, các câu lạc bộ di sản cũng chỉ vài lần được giới thiệu di sản truyền thống quê hương đến công chúng thông qua các hoạt động văn hóa. Còn việc lấy di sản để tạo nguồn thu có lẽ quá xa vời với các nghệ sĩ nông dân. Ngay cả ca trù là di sản được thế giới công nhận thì nghệ sĩ cũng không thể sống bằng nguồn thu khi mỗi buổi diễn chỉ thu hút một lượng ít ỏi người nghe. 
 
Ca nương Hải Lý, câu lạc bộ ca trù Ngãi Cầu, Hà Nội, biểu diễn 'Hát nói.' Ảnh: Minh Đức -TTXVN
Ca nương Hải Lý, câu lạc bộ ca trù Ngãi Cầu, Hà Nội, biểu diễn 'Hát nói.'
Ảnh: Minh Đức -TTXVN

Những buổi tối cuối tuần Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội vẫn sáng đèn đón khách tại đình Kim Ngân, 42 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Nhưng nghịch cảnh là một môn nghệ thuật bác học trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam lại luôn vắng khách, hôm nhiều có khoảng hơn 10 khách, ngày ít chỉ 1 – 2 khách. Dù vậy, các ca nương, kép đàn vẫn biểu diễn hết mình, bởi theo bà Lê Thị Bạch Vân - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, nếu người nghe có nhu cầu thưởng thức, biết nghe hát thì tiền bạc không còn ý nghĩa mà nghệ sỹ phải hát. Bà cũng cho rằng, đã là nghệ sỹ thì phải biết sống vì khán giả, biết trân trọng và biết ơn người nghe, nhu cầu thực sự của khán giả thì phải tôn trọng, nhiều người hay một người nghe thì nghệ sĩ vẫn phải diễn. Tuy nhiên, bà cũng không khỏi chạnh lòng vì nếu được Nhà nước hỗ trợ chỉ một phần nhỏ thì cũng giúp các câu lạc bộ trang trải hoạt động, bồi dưỡng cho các nghệ sỹ, giúp những người đang nắm giữ di sản không phải tủi thân khi nhìn sang các nghệ sỹ dòng nhạc khác.

Hiện nay, nhiều các xã, phường có di sản phi vật thể đều thành lập các câu lạc bộ để duy trì hoạt động. Các câu lạc bộ này hình thành trên cơ sở tự nguyện của những người yêu di sản, không có kinh phí để hoạt động. Trong một số thời điểm nhất định, các câu lạc bộ này được một số hội, tổ chức, cá nhân hỗ trợ số kinh phí nhỏ nhoi, không thường xuyên hoặc hỗ trợ trang phục, đạo cụ để hoạt động. Mỗi dịp phải tham gia sự kiện, câu lạc bộ phải kêu gọi sự tài trợ của các “mạnh thường quân” nhưng cũng rất khó khăn.

Vượt qua những khó khăn khi can đảm bước qua lời nguyền của quê hương trong việc khôi phục điệu hát Dô, nhưng bà Nguyễn Thị Lan chưa bao giờ hết “nhọc nhằn” khi duy trì hoạt động của Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai. Hàng chục năm qua, khi câu lạc bộ đã hoạt động ổn định, lòng dân ủng hộ nhưng để có kinh phí duy trì hoạt động tốt và phát triển mạnh mới là điều làm bà trăn trở. Đôi lúc được một số tổ chức tài trợ ít kinh phí và trang phục nhưng chừng ấy không đủ duy trì thường xuyên. Trong khi chính quyền địa phương chưa có sự đầu tư đúng mức cho câu lạc bộ, nhiều lúc bà phải tự bỏ kinh phí để tổ chức các hoạt động. Tuy vậy, nghệ thuật hát dô vẫn là cái duyên và cái nghiệp để bà Nguyễn Thị Lan nguyện đi theo trọn đời.

Tạo sức sống cho di sản

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khẳng định, chúng ta có thể học hỏi từ trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ của Thăng Long – Hà Nội những giá trị về lịch sử của vùng địa linh nhân kiệt; những truyền thống tốt đẹp của người Thăng Long – Hà Nội; những tri thức sâu sắc về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa nghệ thuật; những tập tục, sự phong phú về đời sống tâm linh đậm tính nhân văn và bản sắc dân tộc… Trong khi di sản văn hóa không thể tái tạo nên chúng ta phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội mà tiền nhân để lại, tạo nguồn lực cho phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội và trao truyền tài sản đó cho các thế hệ mai sau.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu cho rằng, để biến tiềm năng của di sản văn hóa thành nguồn lực cho phát triển bền vững, thành phố Hà Nội có đủ điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và tri thức để triển khai số hóa dữ liệu về di sản văn hóa nhằm khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu mở phục vụ công tác quản lý và trao đổi thông tin.

Một vấn đề khác đang được nhiều người đề xuất là các địa phương, các cơ quan chuyên môn cần khuyến khích các hoạt động nhằm phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời xây dựng và mở rộng quan hệ với hệ thống các nhà trường, cơ quan, đơn vị và các tổ chức xã hội, phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch để quảng bá, phát huy giá trị di sản. Thực tế, một số lễ hội lớn đều có sức hút đối với du khách, tuy vậy việc thu hút chỉ duy trì trong thời gian diễn ra lễ hội.  Để tạo ra sản phẩm du lịch thường xuyên bằng cách trình diễn một số diễn xướng của lễ hội cần sự tính toán, vào cuộc của địa phương, cơ quan quản lý du lịch, văn hóa. Hay việc tạo ra điểm diễn phục vụ khách du lịch đối với một số loại hình trình diễn nghệ thuật như phường rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh) cũng chưa nhiều.

Sẽ còn nhiều gian nan để bảo tồn và đưa di sản văn hóa phi vật thể phát triển bền vững nhưng đó luôn là vấn đề đặt ra đối với Hà Nội. Tạo thêm sức sống cho các di sản văn hóa phi vật thể, như Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nói, cũng là tạo nền tảng cho giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống, nhân cách, lối sống, xây dựng con người mới, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
 
Đinh Thuận
TTXVN

Có thể bạn quan tâm