Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời phỏng vấn hãng Thông tấn TASS

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời phỏng vấn hãng Thông tấn TASS

Phóng viên: Xin Chủ tịch nước cho biết nhiệm vụ chính của người đứng đầu Nhà nước là gì? Những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là gì? 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang : Tôi có thể nêu tóm tắt nhiệm vụ chính của Chủ tịch nước như sau: Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên lĩnh vực lập pháp, hành pháp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: TTXVN


Mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong 5 năm tới là: 

- Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu đưa đất nước cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 
- Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. 
- Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. 
- Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. 

Phóng viên: Là một trong những nước có vai trò hàng đầu trên vũ đài chính trị ở khu vực, Việt Nam nhìn thấy tương lai của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương như thế nào? 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang : Châu Á - Thái Bình Dương là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa kinh tế - chính trị, chiến lược ngày càng quan trọng trên thế giới. Đây cũng là tiêu điểm của liên kết kinh tế khu vực với sự hình thành hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có quy mô và tầm ảnh hưởng rất lớn, mở ra nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ không những cho khu vực mà cả toàn cầu… Tôi luôn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp và ảnh hưởng to lớn của khu vực này đối với các vấn đề kinh tế, chính trị và giải quyết những thách thức toàn cầu. Nhưng để niềm tin ấy trở thành hiện thực, các quốc gia, trong đó vai trò của các nước lớn là rất quan trọng, cần chung sức, chung lòng, ra sức bảo đảm an ninh, giữ gìn hòa bình, ổn định, làm cho châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phồn vinh, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng trên toàn thế giới. 

Phóng viên: Xin Chủ tịch nước đánh giá vai trò của di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong cuộc sống của đất nước Việt Nam ngày nay? 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang : Cuộc đời, sự nghiệp và di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị đối với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa đối với nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới ở thời đại hiện nay. Đối với người dân Việt Nam, di sản lớn nhất của Người là tư tưởng, đạo đức và uy tín quốc tế. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn hóa nhân loại. Tư tưởng của Người là kim chỉ nam, là cẩm nang cho chúng tôi trên con đường đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây và đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay. 

Đạo đức, nhân cách của Người cũng là một tấm gương mà cá nhân tôi hay bất cứ người dân Việt Nam nào đều cố gắng noi theo. Đó là tấm gương mẫu mực về đời tư trong sáng, đức sống giản dị, khiêm tốn, đồng thời nghiêm khắc với tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực,… Vượt lên trên tất cả, ở Hồ Chí Minh là hiện thân của sự phấn đấu quên mình vì dân, vì nước, là công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân. Người là kết tinh những giá trị cao quý nhất của văn hóa - đạo đức Việt Nam. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người rất mực trung thành, suốt đời chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; Người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế; Nhà văn hóa lớn của dân tộc. Người không chỉ được nhân dân Việt Nam, những người yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới tin yêu, ngưỡng mộ, mà cả những người ở bên kia chiến tuyến cũng luôn tôn kính, khâm phục. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa 47 năm rồi, nhưng di sản to lớn của Người vẫn có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong cuộc sống của mỗi người dân Việt Nam hiện nay. Di sản lớn nhất của Người để lại cho chúng tôi là: Tư tưởng, đạo đức, phong cách và uy tín quốc tế. 

Phóng viên: Năm 2015 là năm kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga. Chủ tịch nước đánh giá những lĩnh vực nào đạt được nhiều tiến bộ và những lĩnh vực tiềm năng nào chưa đạt được trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga, đặc biệt là trong quan hệ kinh tế, thương mại? Quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Nga sẽ có bước phát triển như thế nào với việc Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu ký Hiệp định Thương mại tự do vào tháng 5/2015? Xin Ngài cho biết những nhiệm vụ mới trong lĩnh vực năng lượng và khai thác dầu khí? 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang : Quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga chúng ta có bề dày lịch sử hơn 65 năm. Nói đến Liên bang Nga là nói đến những tình cảm gần gũi, thân thiết bởi nước Nga từng là hậu phương lớn của Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nước Nga cũng là nơi rất nhiều thế hệ người Việt Nam đến sinh sống, học tập và trưởng thành để từ đó cống hiến cho sự phát triển của Việt Nam và quan hệ hai nước chúng ta. 

Tôi rất vui mừng được chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương trong tất cả các lĩnh vực. 

Quan hệ chính trị không ngừng được tăng cường với độ tin cậy cao. Hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, an ninh, quốc phòng, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa,… được đẩy mạnh. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai nước. Trong thời gian tới, hai nước cần triển khai đồng bộ và thiết thực hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực thế mạnh để tăng cường hiệu quả hợp tác, nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của mỗi nước. 

Cách đây 1 năm, Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á -Âu đã ký Hiệp định Thương mại tự do và đến nay, Việt Nam, Liên bang Nga, Kazakhstan đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do nói trên, tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với Liên bang Nga nói riêng và giữa các nước thành viên khác của Liên minh Kinh tế Á - Âu nói chung. Theo đó, các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, thông thoáng cho các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu, đồng thời cũng thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Liên bang Nga. 
Tôi tin rằng lĩnh vực năng lượng và dầu khí sẽ tiếp tục là một trong những trụ cột trong hợp tác kinh tế song phương Việt Nam - Liên bang Nga. Bên cạnh các dự án thăm dò và khai thác dầu khí đang được triển khai tích cực, hai nước cần tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác, hoạt động, trong đó có lĩnh vực lọc hóa dầu, xây dựng đường ống, sản xuất nhiên liệu hóa lỏng, cung cấp dầu thô dài hạn cho nhà máy lọc dầu… 

Phóng viên: Xin Chủ tịch nước đánh giá vai trò và tác dụng của cơ chế đối thoại thường xuyên giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, hợp tác Việt - Nga ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương? Các sáng kiến và lĩnh vực mà Việt Nam và Nga nên tập trung để phối hợp thúc đẩy vai trò của hai nước tại khu vực, trước hết là trong khuôn khổ ASEAN - Nga? 


Chủ tịch nước Trần Đại Quang : Việc duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cơ chế này góp phần tạo dựng sự tin cậy chính trị cao, chỉ rõ quan điểm về những vấn đề chiến lược, đánh giá, chỉ đạo kịp thời, sát sao việc triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao đã đạt được cũng như thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy tháo gỡ những khó khăn trong hợp tác song phương. 

Trên trường quốc tế, hợp tác Việt - Nga là biểu tượng của sự phát triển năng động, hiệu quả, nhất là tại các cơ chế hợp tác của ASEAN như ARF, EAS, ASEAN+1, ADMM+… và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Việt Nam đánh giá cao vị thế và vai trò ngày càng tăng của Nga tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng như những đóng góp của Nga trong APEC. Tôi rất ấn tượng với những thành công của APEC 2012 do Nga đăng cai tổ chức và bày tỏ hy vọng rằng, với kinh nghiệm tổ chức của mình, Chính phủ và nhân dân Nga sẽ tiếp tục ủng hộ và phối hợp, hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC năm 2017. 

Trong khuôn khổ ASEAN - Nga, các bạn cũng đã chứng kiến, sau 20 năm phát triển quan hệ đối tác đối thoại và 10 năm thực hiện Tuyên bố chung ASEAN - Nga về Quan hệ Đối tác toàn diện và tiến bộ, những kết quả đạt được rất đáng trân trọng. Đây cũng là minh chứng cho mong muốn, quyết tâm của các quốc gia ASEAN, của Việt Nam và Liên bang Nga trong việc thúc đẩy quan hệ toàn diện, thực chất cả về song phương và đa phương, hướng đến tầm đối tác chiến lược. Trên tinh thần đó, Việt Nam đánh giá cao vai trò của Nga, một cường quốc Á - Âu có lợi ích gắn liền với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong việc xây dựng một cấu trúc khu vực bền vững. Chúng tôi hy vọng Nga tiếp tục phát huy vai trò cường quốc và có trách nhiệm trong việc định hình cấu trúc khu vực thông qua việc tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác ASEAN-Nga, hỗ trợ ASEAN tăng cường vai trò và hiệu quả hoạt động của các cơ chế đối thoại cũng như các khuôn khổ pháp lý quốc tế, có tiếng nói và đóng vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết các thách thức an ninh ở khu vực. 


Trong thời gian tới, với tư cách là thành viên ASEAN, đồng thời là đối tác chiến lược toàn diện của Nga, Việt Nam sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa ASEAN và Nga, qua đó nâng cao hơn nữa vai trò của Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Nga tại khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á – Thái Bình Dương, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phát triển, thịnh vượng trên thế giới. 

Phóng viên: Xin Chủ tịch nước đánh giá về thực trạng và triển vọng hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Nga? Xin Ngài cho biết những biện pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc phòng – kỹ thuật quân sự giữa hai nước? 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang : Trong những năm đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã nhận được sự trợ giúp to lớn của Chính phủ và nhân dân Liên Xô trước đây, sau này là Liên bang Nga, về vũ khí, khí tài, trang thiết bị cũng như những đóng góp hết sức quý báu của các chuyên gia, trong đó có chuyên gia quân sự. 

Hiện nay, hợp tác quốc phòng vẫn là lĩnh vực hợp tác quan trọng, đang được hai nước quan tâm thúc đẩy trên cơ sở cùng có lợi. Hai bên cũng duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự, cơ chế Đối thoại chiến lược Quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng và thực hiện trao đổi đoàn các cấp. 

Tôi cho rằng, trong thời gian tới hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc phòng và kỹ thuật quân sự, nhất là trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý phù hợp với mức độ hợp tác. Hai bên cũng cần thiết lập quan hệ hợp tác trực tiếp giữa các cơ sở quốc phòng của hai bên, mở rộng hợp tác về sửa chữa, nâng cấp vũ khí, khí tài, đồng thời đưa hợp tác kỹ thuật quân sự lên tầm cao mới, từ quan hệ “mua – bán” thông thường tiến tới chuyển giao công nghệ, xem xét thành lập liên doanh sản xuất, bảo dưỡng và nâng cấp vũ khí, khí tài. 

Phóng viên: Trong những năm qua, ngày càng nhiều khách du lịch Nga sang thăm Việt Nam và khách du lịch Việt Nam sang Nga. Xin Ngài Chủ tịch nước đánh giá những triển vọng phát triển hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa Việt Nam và Nga trong thời gian tới? Theo Chủ tịch nước, phải làm thế nào để du khách Nga đi du lịch nhiều hơn tới Việt Nam? 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang : Người Nga luôn là những người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam. Du khách Nga là một trong mười nhóm khách quốc tế có thời gian lưu trú dài nhất tại đất nước chúng tôi. Trong giai đoạn năm 2011 - 2015, lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam đã tăng từ 100 nghìn lên đến 400 nghìn lượt. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, triển vọng hợp tác về du lịch sẽ tiếp tục phát triển bởi Việt Nam là một đất nước có tình hình chính trị ổn định, an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo, lại có điều kiện tự nhiên ưu đãi, nhiều danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa độc đáo, ẩm thực đặc sắc,… có sức thu hút mạnh mẽ du khách. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, chắc chắc sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn đối với du khách Nga. 

Mặt khác, nhân dân Việt Nam cũng luôn hướng đến đất nước Nga tươi đẹp, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nền văn hóa, nghệ thuật phong phú, kỳ vĩ và con người Nga đôn hậu, đáng mến với một tình cảm đặc biệt. Nhiều người Việt Nam đã từng sinh sống, học tập, làm việc tại Nga, coi nước Nga là quê hương thứ hai của mình...Những lý do trên sẽ làm nên cầu nối đặc biệt để hợp tác du lịch giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Phát triển du lịch giữa Việt Nam và Liên bang Nga sẽ góp phần tăng cường hiểu biết và tình cảm, củng cố nền tảng lâu dài cho quan hệ hai nước hiện nay và mai sau. 


Phóng viên : Chúng tôi được biết Ngài dậy rất sớm để làm việc và kết thúc công việc rất muộn. Nếu có chút thời gian rỗi, Ngài muốn dành để làm gì?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang : Sở thích của tôi là đọc, và nếu có thời gian rảnh rỗi, tôi thường đọc sách. 

Phóng viên : Vậy tác giả nào được Ngài Chủ tịch yêu thích? 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang : Tôi đọc tác phẩm của nhiều tác giả - cả tác giả Việt Nam và nước ngoài. Tôi thực sự thích những cuốn sách về lịch sử và văn hóa. Sách là người bạn tốt của con người. 

Phóng viên: Chúc Ngài đạt thành công lớn trên cương vị Chủ tịch nước. Tôi hy vọng trong tương lai gần, Ngài sẽ đến thăm đất nước chúng tôi, sẽ là vị khách quý của đất nước chúng tôi. Trân trọng cảm ơn Ngài về cuộc trò chuyện này của chúng ta! 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang : Xin cảm ơn lời chúc ấm áp của các bạn! Trước đây tôi đã tới Nga và từng học ở Liên Xô. Tôi hy vọng sẽ sớm có thể trở lại thăm đất nước xinh đẹp của các bạn và gặp những người bạn Nga tuyệt vời và chân thành của chúng tôi./. 

Có thể bạn quan tâm