Giữ nghề làm nón truyền thống ở Nghĩa Châu

Giữ nghề làm nón truyền thống ở Nghĩa Châu
Làm nón tại xã Nghĩa Châu. Ảnh: Công Luật - TTXVN
Làm nón tại xã Nghĩa Châu. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Phát huy nghề truyền thống

Về xã Nghĩa Châu đi đến đâu cũng bắt gặp cảnh từng nhóm người đang miệt mài làm nón. Để có một chiếc nón hoàn thiện, phải trải qua nhiều công đoạn như: gỡ lá, là, lên vành, lợp, khâu, kết chóp…Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ của các nghệ nhân.

Ông Nguyễn Văn Dậm (86 tuổi), thôn Đào Khê Hạ, xã Nghĩa Châu biết, công đoạn đầu tiên, quan trọng nhất của làm nón là chuốt vành. Công đoạn này yêu cầu người thợ phải khéo léo, chuốt sao cho các vành đều nhau, vừa vặn, không quá to hay quá nhỏ làm mất vẻ đẹp của nón. Sau đó đến lợp lá, lá lợp phải được chọn lọc kỹ càng và trải qua công đoạn là lá rất công phu.

Khi lợp, các nghệ nhân phải cân nhắc sao cho những chiếc lá nón được xếp đều lên vành, không bị chồng chéo nhau. Nghệ nhân sẽ đính những chiếc lá này cố định lên vành nón bằng một loại "chỉ" đặc biệt để làm chiếc nón đẹp, bền chắc hơn. Thông thường, mỗi vành nón xếp khoảng 24 - 25 chiếc lá đều nhau.

Làm nón tại xã Nghĩa Châu. Ảnh: Công Luật - TTXVN
Làm nón tại xã Nghĩa Châu. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Giai đoạn khâu nón đòi hỏi sự tỉ mỉ của các nghệ nhân. Khi khâu nón, người thợ lấy kim xâu từng mũi sợi cước vào lá nón và vòng tre vuốt tròn gắn kết chúng lại với nhau. Sau khi khâu xong, công đoạn cuối cùng là lấy sợi len móc chéo nhiều vòng ở hai bên vành trong chiếc nón để làm điểm gắn quai nón. Nón lá sau khi hoàn tất sẽ được quét lên một lớp nhựa thông pha cồn để tăng độ bóng, không thấm nước.

Theo chị Vũ Thị Đượm, một nghệ nhân làm nón có tiếng tại thôn Đào Khê Thượng, xã Nghĩa Châu, thường mất khoảng 3 tiếng để làm xong một chiếc nón, một nghệ nhân có thể làm được 3-4 nón/ngày. Người dân nơi đây thường tận dụng thời gian nông nhàn sau hai vụ lúa để kiếm thêm thu nhập, đồng thời bảo tồn, phát huy nghề truyền thống cha ông truyền lại.

Nâng cao thu nhập

Theo những người có thâm niên trong làng nón lá Nghĩa Châu, nghề làm nón xuất hiện vào khoảng năm 1940, ban đầu chỉ có một vài gia đình làm nghề, sau đó lan rộng trên địa bàn xã. Hiện nay, xã có trên 70% số gia đình làm nón, tùy theo đơn đặt hàng, nhu cầu của thị trường để làm các sản phẩm nón lá khác nhau. Giá nón dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc, có loại 70.000 - 90.000 đồng/chiếc. Đặc biệt, loại nón dùng trong hoạt động lễ hội có giá trên 150.000 đồng/chiếc.
Làm nón tại xã Nghĩa Châu. Ảnh: Công Luật - TTXVN
Làm nón tại xã Nghĩa Châu. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Bà Phạm Thị Minh (78 tuổi), người có thâm niên làm nón tại thôn Đào Khê Thượng cho biết, trong làng, nhiều gia đình chuyên làm những chiếc nón đặc biệt để phục vụ lễ hội. Vào mùa cưới, người dân ở đây thường bận rộn hơn do có nhiều đơn đặt hàng. Xã Nghĩa Châu hiện nay có khoảng 30 hộ chuyên thu mua nón và cung ứng nguyên liệu làm nón. Toàn xã có trên 1.500 gia đình làm nón, trong đó tập trung nhiều ở thôn Đào Khê Thượng và Đào Khê Hạ. Trung bình, mỗi năm xã cung ứng hơn 2 triệu chiếc nón lá cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Doanh thu từ nghề làm nón lá đạt khoảng 20 - 25 tỷ đồng/năm.

Nghề làm nón lá Nghĩa Châu mang lại thu nhập cao cho người dân, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, nghề truyền thống này đang đứng trước nguy cơ mai một khi nón lá đang phải cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường. Mặt khác, nhiều người, nhất là lớp trẻ trong xã không còn thiết tha với nghề làm nón truyền thống.

Theo bà Nguyễn Thị Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Châu, với một xã thuần nông như Nghĩa Châu, làm nón lá đang là nghề “kinh tế mũi nhọn” của nhiều gia đình, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân. Hiện nay do đang phải cạnh tranh với nhiều thương hiệu khác trên thị trường, khâu tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Để nghề làm nón lá trở thành một nghề chủ lực tại địa phương, giúp người dân vươn lên làm giàu, hướng đến xây dựng thương hiệu nón lá, Nghĩa Châu rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành...

Làm nón tại xã Nghĩa Châu. Ảnh: Công Luật - TTXVN
Làm nón tại xã Nghĩa Châu. Ảnh: Công Luật - TTXVN
Công Luật
TTXVN

Có thể bạn quan tâm