Giữ lửa cho làng nghề chè lam Thạch Xá

Giữ lửa cho làng nghề chè lam Thạch Xá
Sản phẩm lâu đời

Người dân ở Thạch Xá đã làm chè lam hàng trăm năm nay. Ông Nguyễn Trí Thuỷ - Chủ tịch Hội Làng nghề bánh chè lam làng Thạch Xá cho biết: Nghề làm chè lam tập trung chủ yếu ở làng Thạch Xá, được phát triển theo kiểu cha truyền con nối. Không biết bao giờ, nhưng từ lúc tôi sinh ra, đã thấy ông, cha mình làm chè lam. Những năm 1990, hầu như cả làng Thạch Xá đều làm nghề này. Hiện nay, do nhu cầu thị trường, chỉ còn 70 hộ làng Thạch Xá tiếp tục làm nghề.

Giữ lửa cho làng nghề chè lam Thạch Xá ảnh 1
Để có mẻ chè lam thơm ngon, khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng: nếp làm chè lam phải là nếp cái hoa vàng, gừng phải chọn củ già, hạt lạc phải chắc, mẩy...

Chè lam Thạch Xá là món ẩm thực dân dã nhưng để có mẻ chè lam thơm ngon, người thợ phải chế biến khá cầu kỳ, tỉ mỉ. Theo các hộ dân làng Thạch Xá, chè lam vốn được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản, quen thuộc như bột nếp, gừng, lạc, đường kính và mạch nha. Để có những mẻ chè lam thơm ngon, khâu chọn nguyên liệu khá quan trọng. Nếp làm chè lam phải là nếp cái hoa vàng, gừng phải chọn củ già, hạt lạc phải chắc, mẩy.

“Để sản xuất 20 tấn chè lam/năm, gia đình tôi cần đến hơn chục tấn thóc nếp cái hoa vàng. Để chủ động nguyên liệu gia đình tôi cấy 1 mẫu thóc nếp. Thóc nếp khi gặt ở ruộng về phải làm máy, phơi ngay cho được nắng. Nếp cái hoa vàng để làm chè phải chọn hạt to, đều, mẩy, phơi khô sạch sẽ…”, ông Thuỷ cho hay.

Theo ông Thủy, nét đặc trưng của chè lam Thạch Xá chính là ở công đoạn rang nguyên hạt thóc nếp vào chảo thật vừa lửa để gạo nở thành hạt bỏng trắng. Nếu rang gạo nếp như các nơi khác, bánh sẽ bị cứng nhanh nên khó giữ được lâu. Sau đó người ta đem bỏng đi xay nhỏ rồi lọc lấy bột thật mịn rồi đem trộn với các nguyên liệu nấu thành mật.

Giữ lửa cho làng nghề chè lam Thạch Xá ảnh 2
Nhiều gia đình ở Thạch Xá khá giả lên nhờ nghề sản xuất chè lam

Liên kết sản xuất

Từ năm 2004, chè lam Thạch Xá đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Hiện nay, người làng Thạch Xá vẫn chủ yếu làm bánh bằng phương pháp thủ công. Để tạo động lực phát triển làng nghề truyền thống, liên kết các hộ sản xuất, năm 2014, Uỷ ban nhân dân xã đã thành lập Hội làng nghề bánh chè lam Thạch Xá với 72 thành viên.

Là thành viên trẻ tuổi tham gia trong Hội Làng nghề bánh chè lam làng Thạch Xá, anh Ngô Văn Toán (sinh năm 1976) thổ lộ: “Trước đây tôi vốn làm nghề sản xuất bánh kẹo, kinh nghiệm làm chè lam không có. Tham gia trong hội, những thanh niên trẻ như tôi được các bác, các anh chị đi trước truyền đạt rất nhiều kinh nghiệm quý báu”.

 Ngày nay, do nhu cầu thị trường nên hầu hết các xưởng làm bánh chè lam ở Thạch Xá đều đưa cơ giới vào, như máy xay bột, máy nhào bánh… vừa đỡ tốn sức lao động vừa đạt năng suất cao. Song, điều quan trọng nhất gọi là bí quyết nhà nghề là khâu pha trộn nguyên liệu và khâu nấu bánh. Phải giữ được đủ hương vị của các loại nguyên liệu và tạo được hương vị đặc trưng của làng nghề. Chính nhờ thực hiện đúng những điều ấy mà làng nghề Thạch Xá đã mở rộng quy mô sản xuất và thu nhập hàng năm thành nguồn thu chủ yếu của xã.

“Hiện, Hội Làng nghề bánh chè lam làng Thạch Xá xuất bán hơn 150 tấn/năm, doanh thu trên 6 tỷ đồng/năm. Thu nhập từ nghề làm chè lam không bội thu, nhưng ổn định nên nhiều gia đình khá giả lên nhờ làm nghề. Tuy nhiên, mặt bằng sản xuất hạn chế nên chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ ở tại hộ gia đình. Hiện tại, hội làng nghề đang đề nghị với các cấp chính quyền quy hoạch khu sản xuất tập trung để nâng cao năng suất lao động và tạo điểm nhấn du lịch làng nghề”, ông Thủy cho biết.

Giữ lửa cho làng nghề chè lam Thạch Xá ảnh 3
Chè làm thơm ngon khi nhâm nhi cùng trà nóng

Để phát huy thương hiệu và phát triển làng nghề, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, quảng bá nhãn hiệu tập thể, giáo dục ý thức hộ và doanh nghiệp làng nghề bảo vệ và duy trì chất lượng sản phẩm thương hiệu làng nghề. Hội làng nghề sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo các điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, chế biến vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo môi trường để sản phẩm ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, việc đẩy mạnh liên kết trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó, cùng nhau xây dựng và phát triển thương hiệu nhãn hiệu làng nghề trên phạm vi trong và ngoài nước.

Nhằm bảo tồn và thúc đẩy làng nghề phát triển, huyện Thạch Thất đã triển khai việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm bánh chè lam Thạch Xá. Sau 24 tháng, với sự chỉ đạo hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, sự tham gia tích cực của đơn vị tư vấn và Ủy ban nhân dân xã, các hội làng nghề, ngày 18/8/2015, bánh chè lam Thạch Xá được cấp bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo langvietonline.vn

Có thể bạn quan tâm