Trà Vinh có thêm 7 xã được công nhận là xã nông thôn mới

Trà Vinh có thêm 7 xã được công nhận là xã nông thôn mới
Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thanh Hoà -TTXVN
Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thanh Hoà -TTXVN

Theo đó, 7 xã vừa được công nhận xã nông thôn mới gồm: Long Toàn (thị xã Duyên Hải); Đông Hải (huyện Duyên Hải); Hùng Hòa, Ngãi Hùng và Tân Hòa (huyện Tiểu Cần); Hòa Minh (huyện Châu Thành); Thạnh Phú (huyện Cầu Kè). Như vậy, đến nay, tỉnh Trà Vinh có 30/85 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, năm 2017, khi tỉnh áp dụng Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ tiêu chí mới có nhiều chỉ tiêu và yêu cầu hơn. Bên cạnh đó, tỉnh sáp nhập bộ tiêu chí xã nông thôn mới và xã văn hóa nên các tiêu chí phải đảm bảo vừa đạt chuẩn xã nông thôn mới vừa đạt chuẩn xã văn hóa. Do vậy, Bộ tiêu chí nông thôn mới của tỉnh, với 19 tiêu chí có đến 56 nội dung, nhiều hơn Bộ Tiêu chí của Trung ương 7 nội dung nên khi rà soát lại, hầu hết các xã trong tỉnh đều bị giảm tiêu chí đã đạt được. Trong số các xã được công nhận xã nông thôn mới giai đoạn 2011-2016 của tỉnh, hiện chỉ còn 4 xã đạt 19/19 tiêu chí, 19 xã còn lại đều giảm từ 1-6 tiêu chí đã đạt được.

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các sở, ngành tập trung hỗ trợ các địa phương nâng cao chất lượng thực hiện những tiêu chí của chuẩn nông thôn mới. Cùng với việc thực hiện chính sách của Trung ương và tỉnh, các địa phương huy động, lồng ghép nguồn vốn để nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là những tiêu chí liên quan đến tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, môi trường, giáo dục, y tế...

Chủ toạ hội nghị. Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN
Chủ toạ hội nghị. Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN

Năm 2018, tỉnh Trà Vinh dồn sức thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Chuyển đổi sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh, đẩy mạnh liên kết, hợp tác sản xuất, đảm bảo ổn định thị trường đầu ra gắn với phát triển chợ an toàn thực phẩm, quản lý, kiểm soát chặt thị trường; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tích cực huy động tốt các nguồn lực để giảm nghèo nhanh, bền vững, trọng tâm là những xã có đông đồng bào dân tộc Khmer, xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang.
Thanh Hoà 

Có thể bạn quan tâm