Tiến sỹ đầu tiên của đồng bào Lô Lô

Tiến sỹ đầu tiên của đồng bào Lô Lô
Ông Lò Giàng Páo, sinh năm 1956, trong một gia đình Lô Lô ở vùng núi cao hẻo lánh của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. “Nhiều lúc phải đi làm thuê, kiếm củi bán, mong sao mua được chiếc áo hay cái quần để đi học, đi chơi Tết. Ước mơ nhỏ bé thế thôi, nhưng cũng không được”, ông Páo chia sẻ.
May mắn với ông Páo khi có bố làm cán bộ. Vì vậy, bố ông rất khuyến khích và động viên con mình chăm chỉ học tập. Ông Páo kể, thời đó, ở huyện Mèo Vạc chỉ học đến lớp 4 là hết, muốn học tiếp phải xuống tỉnh, nhưng chuyện xuống tỉnh là không tưởng. Vì vậy, học xong lớp 4, ông được sắp xếp dạy lớp 1, lớp 2, có hôm cả lớp 3; đồng thời theo cán bộ đi vận động, tuyên truyền bà con theo Đảng, theo Bác Hồ.
Tiến sỹ đầu tiên của đồng bào Lô Lô ảnh 1
Ông Lò Giàng Páo trong một chuyến công tác tại Quảng Tây, Trung Quốc.
Đến năm 10 tuổi, ông Páo và 4 người khác của huyện Mèo Vạc được cử đi học ở trường thiếu nhi Vùng cao của tỉnh. Hai năm sau, ông Páo lại được chuyển về học ở trường cấp II, III, vùng cao khu tự trị Việt Bắc (Thái Nguyên). Với ý chí và quyết tâm học tập để sau này có được việc làm ổn định, giúp đỡ gia đình, quê hương, ông Páo tiếp tục ôn thi và đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Khoa lịch sử, chuyên về Dân tộc học. Năm 1995, ông hoàn thành học vị Tiến sỹ, chuyên ngành Lịch sử và trở thành người Lô Lô đầu tiên có học vị này.
Trong quá trình học tập và công tác, trải qua nhiều vị trí và cương vị khác nhau, nhưng cuối cùng lại được điều về làm công tác dân tộc, với ông Páo, điều này rất thú vị và vinh dự lớn nhất đối với ông. Ông bảo: “Nếu nói là cơ duyên thì cũng đúng, nhưng đúng hơn đó là tôi chọn nghề mà mình đã được học, nó phù hợp với sở trường trong công tác nghiên cứu của tôi”.
Tiến sỹ đầu tiên của đồng bào Lô Lô ảnh 2
Ông Lò Giàng Páo chụp ảnh cùng người thân trong một lần về thăm quê hương Mèo Vạc.
Ở cương vị Phó Viện trưởng đã được gần 10 năm, lãnh đạo Ủy ban dân tộc cũng giao cho ông thêm một số nhiệm vụ khác như: Hàm vụ trưởng và kiêm Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu dân tộc. Dù ở cương vị nào, ông cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Ông chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm rằng, không quan trọng mình ở vị trí nào mà quan trọng mình làm được những gì”.
Chính bởi sự lao động miệt mài và cống hiến hết mình mà bên cạnh công việc chính, ông Lò Giàng Páo còn cho ra mắt bạn đọc hàng chục tác phẩm, trong đó có cuốn “Truyện cổ Lô Lô”. Đây là một trong những tác phẩm đầu tay, cũng là niềm tự hào của ông về dân tộc mình. Ông Páo tâm sự: “May mắn khi còn nhỏ, tôi được nghe các cụ kể rất nhiều những câu chuyện truyền miệng. Tôi say sưa nghe đi nghe lại rất nhiều lần các cốt truyện, tất cả như thấm vào máu thịt. Sau này, những chuyến trở về quê hương, tôi có sưu tầm, ghi chép lại và biên soạn thành cuốn truyện đó. Tôi coi đây là một sự đóng góp nhỏ bé cho kho tàng văn hóa các dân tộc, đặc biệt là đồng bào mình...”.
Chẳng vậy mà, có một nhạc sỹ khi thấy ông đã sáng tác ca khúc “Hoan hô Lò Giàng Páo”, nói về ca khúc này, ông Páo mỉm cười: “Mãi sau này tôi mới biết là nhạc sĩ Thanh Phúc có một giải thưởng về ca khúc mang tên như thế. Tôi có đến gặp nhạc sĩ phân trần rằng tôi cũng chỉ sống và làm việc như bao đồng bào khác thôi, nhưng nhạc sĩ trả lời: “Anh xứng đáng được hoan hô, vì anh đại diện cho một dân tộc có trình độ học vấn, điều này là sự khích lệ, động viên tinh thần hiếu học cho mọi người”.
Những câu chuyện với Lò Giàng Páo cứ kéo dài thêm về cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông, mộc mạc và cuốn hút. Và có lẽ rất khó để tìm kiếm một Lò Giàng Páo thứ hai, không chỉ ở tinh thần cầu thị, ham học hỏi mà điều trân trọng hơn cả là tình cảm, là những đóng góp của ông dành cho đồng bào, quê hương - nơi mà ông thấy “bùi ngùi, vương vấn” mỗi khi có dịp trở về.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm