Thanh niên làm kinh tế giỏi

Thanh niên làm kinh tế giỏi
Anh Diệp Văn Pho bên vườn nhãn Ido của nhà mình.
Anh Diệp Văn Pho bên vườn nhãn Ido của nhà mình.
Đến thăm gia đình anh Pho, tìm hiểu về mô hình trồng nhãn Ido, anh không giấu được niềm vui và chia sẻ với chúng tôi, cách đây 4 ngày, anh kiếm được hơn 120 triệu đồng trên 3 công nhãn nghịch vụ. Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp, từ nhỏ anh đã quen với công việc đồng áng. Mười năm trước, thu nhập của gia đình anh Pho chủ yếu từ việc trồng cam mật, tuy nhiên, vườn cam của gia đình cũng thất bát khi dịch bệnh vàng lá gân xanh gây hại. Đến năm 2008, khi nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng về giống nhãn Ido ít bị bệnh, cho năng suất cao nên anh quyết định mua 200 cây giống từ Vĩnh Long về trồng thử. Anh Pho cho biết: “Thời điểm đó chưa có các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng giống cây này nên tôi gặp nhiều khó khăn trong việc cho cây ra hoa, đậu trái. Nhưng qua nhiều năm rút kinh nghiệm cộng với việc trao đổi với các hộ dân xung quanh cũng trồng giống nhãn này nên đến nay vườn nhãn của tôi hầu như cây nào cũng cho trái sai”. Bằng sức trẻ, sự nhiệt huyết và ý chí vươn lên, năm 2012, anh quyết định vay 8 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua thêm 300 cây nhãn Ido để mở rộng quy mô trồng trọt. Đến nay, gia đình anh có đến 13 công nhãn Ido, cho thu nhập khoảng 180 triệu đồng/năm. Sau khi thành công với cây nhãn, anh không giấu nghề mà hỗ trợ về cây giống và kỹ thuật trồng cho các thanh niên khác ở địa phương. Năm qua, anh đã hỗ trợ 600 cây giống cho 10 thanh niên để trồng. Không những làm kinh tế giỏi, anh còn là một đoàn viên năng động, nhiệt huyết trong phong trào đoàn, gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Anh Đỗ Văn Ni, Bí thư Xã đoàn Nhơn Nghĩa A, cho biết: “Anh Pho là một đoàn viên năng nổ, nhiệt tình trong công tác đoàn cũng như các phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Mô hình trồng nhãn Ido của anh được nhiều đoàn viên thanh niên trong xã khen ngợi. Tôi cũng đã nhờ đến anh Pho trong việc hướng dẫn, giúp đỡ anh em ở xã cùng trồng và nhân rộng mô hình này”. Mô hình trồng nhãn Ido của anh Diệp Văn Pho là 1 trong 12 mô hình làm ăn kinh tế có hiệu quả của thanh niên huyện Châu Thành A, khẳng định hiệu quả phong trào đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp ở huyện. Ông Huỳnh Tấn Nuôi, Phó Bí thư Thường trực Huyện đoàn, cho biết: “Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện đoàn luôn chủ động phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện hoặc các tổ kỹ thuật của các xã, thị trấn nhằm mở các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi cho thanh niên, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng xã; phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện phát vay và theo dõi việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích”. Thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đoàn phát huy tốt hơn nữa vai trò đồng hành với thanh niên trên mọi lĩnh vực; tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan để hỗ trợ đoàn viên thanh niên trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, tiến bộ.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm