Thăm vườn lan rừng ở Đak H'Lơ

Thăm vườn lan rừng ở Đak H'Lơ

Anh Lâm bảo rằng, từ lâu, bản thân đã rất mê chơi phong lan, nhất là lan rừng. Theo anh, lan rừng hoa tuy nhanh tàn hơn lan ngoại nhưng nó lại mang một vẻ đẹp hoang sơ cuốn hút và mùi hương vô cùng dễ chịu, quyến rũ. Cũng chính vì lý do đó mà anh đã bỏ ra khá nhiều thời gian để góp nhặt cho mình một bộ sưu tập lan rừng với hơn 50 loại khác nhau.

Thăm vườn lan rừng ở Đak H'Lơ ảnh 1
Anh Lâm với giống lan rừng Hoàng Nhạn mà mình đang dốc sức bảo tồn. Ảnh: Hồng Thi

“Phần do sở thích, phần bởi nhận thấy được tiềm năng và hiệu quả kinh tế từ lan rừng trên thị trường hiện nay nên tôi đã nảy sinh ý tưởng đầu tư trồng lan rừng chuyên canh trên chính mảnh đất quê mình. Bên cạnh những kinh nghiệm mà bản thân đúc kết được, tôi còn bắt tay vào nghiên cứu nhiều hơn về kỹ thuật trồng và chăm sóc lan rừng qua sách, internet cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác. Phi Điệp là giống lan rừng đang rất được ưa chuộng nên tôi đã quyết định trồng chuyên canh loại cây này. Ngoài ra, còn có thêm một ít Đai Trâu”- anh Lâm cho biết.

Ban đầu, nguồn giống là vấn đề nan giải đối với chủ nhân khu vườn. Bởi lẽ, anh Lâm chỉ mua được số lượng rất ít từ những đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương bẻ trên rừng về bán; trong khi đó lan phần lớn lại không đảm bảo về chất lượng. Trước thực trạng này, anh phải mất thêm thời gian hướng dẫn cho người dân về việc khai thác lan bền vững cũng như bảo quản hàng đúng cách để mang về bán cho mình.

Tìm được mối cung cấp, tháng 8-2014, những con giống Phi Điệp (hay còn gọi là lan Giả Hạc) đầu tiên được anh nhập về từ các cánh rừng ở huyện Kbang và Campuchia với giá từ 250.000-400.000 đồng/kg để trồng thử nghiệm. Đây là giống lan cho hoa vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, có màu trắng tím và khoảng 20 ngày thì tàn. Một số ít lan đai trâu (cho hoa vào đúng dịp Tết, màu trắng đốm đỏ) cũng được anh nhập về sau đó. Theo anh Lâm, vì lan chịu nóng nên khí hậu ở Đak H’Lơ tương đối thích hợp; cây sinh trưởng nhanh, ổn định, cho nhánh rất nhiều.

Thăm vườn lan rừng ở Đak H'Lơ ảnh 2
Gỗ lõi rừng, gỗ lũa… được dùng làm thớt cho lan. Ảnh: Hồng Thi

Lỏi gỗ mục, gỗ lũa và cành cây vú sữa được anh Lâm lựa chọn làm thớt trồng lan vì tính lành, không vị đắng, lan dễ bám và sinh trưởng, phát triển tốt. Nếu gỗ có vị đắng sẽ khiến cho bộ rễ của lan chậm phát triển, người trồng buộc phải tốn thêm công đoạn xử lý gỗ.

Khâu chuẩn bị giống đã tương đối ổn định. Đến cuối năm 2014, khu vườn cũng được hoàn thành với phân khu, trụ, giàn treo và mái che một cách bài bản. Tổng vốn đầu tư khoảng 450 triệu đồng trên diện tích 1.000 m2. Hiện tại, 500 thớt lan Phi Điệp được chiết ra từ 4 tạ giống của anh Lâm treo tại vườn đều phát triển tốt và một số đã cho hoa.

Nói về kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan của mình, anh Lâm chia sẻ: “Lan rừng nếu gặp mưa nhiều sẽ bị thối thân, còn gặp nắng nhiều thì bị cháy lá. Mật độ trồng quá dày cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của lan. Do đó, kỹ thuật trồng, che chắn đều phải đáp ứng mấy đặc trưng trên. Thêm nữa, mỗi ngày chỉ nên tưới nước 1 lần vào chiều tối để giữ ẩm cho lan được lâu bởi thời tiết ở vùng này hay có gió. Phun thuốc kích thích ra rễ, lá và diệt nấm theo chu kỳ. Trước khi lan cho hoa 3-4 tháng nên dừng tưới nước để lan ra hoa nhanh và nhiều”. Anh Lâm còn bật mí thêm rằng, vì vốn là lan rừng nên dù có thuần hóa cũng hãy để chúng phát triển tự nhiên, chăm chút quá, lan cũng rất dễ chết.

Thăm vườn lan rừng ở Đak H'Lơ ảnh 3
Theo anh Lâm, ban đầu nguồn giống là vấn đề nan giải với mình.Ảnh: Hồng Thi

Lan rừng tại vườn hầu như được anh Lâm trồng theo đơn đặt hàng của khách, chủ yếu xuất đi thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi đơn đặt hàng thường có giá 50 triệu đồng với 100 thớt lan. Từng thớt lan cũng có giá khác nhau tùy theo số thân tơ (nhánh) sinh ra trên nó (dao động từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/thân tơ). “Đó là chưa kể có những thớt lan bị đột biến gen, thay vì hoa màu trắng ngà phớt tím thì lại cho hoa 5 cánh trắng muốt hoặc trắng tuyền, được thị trường thu mua với giá từ 10  triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Vừa qua vườn tôi cũng có được vài chậu như thế”- anh Lâm cho biết.

Với những hiệu quả kinh tế mà lan rừng mang lại, anh Lâm đang lên kế hoạch đầu tư thêm 1.000 m2 nữa vào năm 2016. Tuy nhiên, hiện có một điều khiến anh Lâm nói riêng và những người dành tình yêu cho lan rừng nói chung khá trăn trở, đó là việc khai thác tận diệt lan rừng dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai. “Hoàng Nhạn đang là một trong những giống lan rất được ưa chuộng nhất, nhì tại thị trường Gia Lai. Loài này nở hoa vào tháng 8, màu vàng hoặc trắng tím, hoa thơm và lâu tàn. Chính vì thế mà nó bị người chơi lan săn lùng gắt gao và ngày càng trở nên khan hiếm. Tôi vừa đưa về vườn được 70 kg, đang cố gắng trồng, nhân giống với mục đích bảo tồn loài lan quý này”- anh Lâm bày tỏ.

Báo Gia Lai

Có thể bạn quan tâm