Phát triển sản phẩm làng nghề tạo động lực xây dựng nông thôn mới

Phát triển sản phẩm làng nghề tạo động lực xây dựng nông thôn mới
Sản xuất gốm sứ tại Bát Tràng. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Sản xuất gốm sứ tại Bát Tràng. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Làng nghề Hữu Bằng (xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cũng là một trong những làng nghề có sự phát triển mạnh mẽ, chủ yếu sản xuất và kinh doanh hàng dệt may, sản xuất đồ gỗ trang trí nội thất. Đây là hai nghề sản xuất chính, mang lại thu nhập chủ yếu cho hàng nghìn người dân ở xã Hữu Bằng. Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm 99% trong cơ cấu kinh tế toàn xã.

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở xã Hữu Bằng đạt 50 triệu đồng/người/năm. Khi điều kiện kinh tế được nâng cao, người dân có điều kiện tham gia, đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân, mới đây, qua rà soát, xã Hữu Bằng đã đạt đủ 19 tiêu chí.

Hữu Bằng, Làng nghề Nội thất. Ảnh: nguồn Internet
Hữu Bằng, Làng nghề Nội thất. Ảnh: nguồn Internet

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển các làng nghề truyền thống, còn tồn tại một số hạn chế. Việc phát triển làng nghề thiếu tính bền vững, sản xuất phân tán, quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là quy mô gia đình, cho nên việc đầu tư, cải tiến và áp dụng khoa học, công nghệ còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng sản phẩm chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp, đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế. Đó là tình trạng chung của các làng nghề thủ công mỹ nghệ nước ta chứ không riêng gì của Hà Nội.

Chính vì vậy, để tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm làng nghề, thành phố Hà Nội đã có sáng kiến tổ chức Hội chợ Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội (Hanoi Gift Show 2017) hàng năm nhằm quảng bá sản phẩm, trưng bày, kết nối, giao lưu giữa các làng nghề cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Tại Hội chợ năm nay đã có 1.265 giao dịch, biên bản ghi nhớ, biên bản thỏa thuận, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề với đối tác nước ngoài; 7 hợp đồng xuất khẩu với tổng giá trị trên 500.000 USD được ký trực tiếp tại hội chợ...

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với quy mô gần 650 gian hàng và một số khu trưng bày đặc biệt để tạo điểm nhấn, Hanoi Gift Show 2017 đã đón 12.135 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, giao dịch. Trong đó, có 615 nhà nhập khẩu đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Nhật Bản, Hà Lan, Trung Quốc, Australia, Bỉ, Anh, New Zealand, Mỹ, Philippines, Thái Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Singapore, Hàn Quốc, Pháp… Đặc biệt, có một số nhà nhập khẩu có sức mua lớn trên 50 triệu USD/năm...

Ban Tổ chức đã phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ 120 nhà nhập khẩu đến tham quan trực tiếp tại các làng nghề, xưởng sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lân cận. Ngay sau đó, 7 nhà nhập khẩu đã quyết định ký kết hợp đồng xuất khẩu sản phẩm với các doanh nghiệp trong những ngày diễn ra hội chợ với tổng giá trị đạt hơn 500.000 USD.

Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Quang Vinh (Bát Tràng, Gia Lâm) cho biết, doanh nghiệp đã tham gia hội chợ ngay từ năm đầu tiên, nhờ đó đã tiếp cận được nhiều khách hàng mới, tạo được nhiều mối hợp tác lâu dài.

Cũng theo bà Vinh, để giữ được mối quan hệ lâu dài với khách hàng nước ngoài, doanh nghiệp phải rất nghiêm túc mới có thể đáp ứng được những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, mẫu mã, nhà xưởng, an toàn vệ sinh lao động, thân thiện môi trường… của các nhà nhập khẩu. Một điều đáng ghi nhận là những năm gần đây, Ban Tổ chức Hanoi Gift Show luôn tổ chức các đoàn khách quốc tế đến trực tiếp thăm các cơ sở sản xuất để đánh giá về nhà xưởng, công nghệ của nhà sản xuất.

Theo ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng kinh tế huyện Thạch Thất, xác định được tầm quan trọng của các làng nghề truyền thống trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ngay từ đầu, huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả đề án “Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề huyện Thạch Thất giai đoạn 2014- 2020”.

Nhờ vậy, tại các làng nghề truyền thống, nhiều cơ sở đã tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm máy móc, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đổi mới thiết bị, công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, huyện Thạch Thất còn thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới thành lập, tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc ở các cụm điểm công nghiệp làng nghề.

Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho biết, hội chợ năm nay diễn ra trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương của Việt Nam đã ký kết. Hơn nữa, hội chợ diễn ra vào thời điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu do tháng 10 là thời điểm các nhà nhập khẩu tham dự chuỗi hội chợ chuyên ngành thủ công mỹ nghệ tổ chức tại các nước trong khu vực. Vì vậy, đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ làng nghề gặp gỡ, giao dịch, kết nối giao thương với các nhà nhập khẩu nước ngoài nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm...
P.A 

Có thể bạn quan tâm