Phát huy tính tự lực trong giảm nghèo ở Than Uyên

Phát huy tính tự lực trong giảm nghèo ở Than Uyên
Người dân ở bản Chít 1, cụm tái định cư Nậm Sáng 2, xã Phúc Than, huyện Than Uyên nhắc nhiều đến những nỗ lực vươn lên thoát nghèo của gia đình anh Lò Văn Sương, dân tộc Khơ Mú. Là hộ dân thuộc diện tái định cư thủy điện Huội Quảng - Bản Chát, 5 năm trước khi tới nơi ở mới, gia đình anh Sương còn băn khoăn về việc phải làm gì để có cái ăn, cái mặc ổn định. Anh Sương đã mạnh dạn học hỏi kiến thức chăn nuôi qua các lớp tập huấn ở xã, huyện; bổ sung thêm kiến thức về chăn nuôi qua sách, báo... Đến nay, gia đình anh đã có một cơ ngơi gồm nhà sàn to, nhiều đồ dùng sinh hoạt hiện đại , chuồng trại chăn nuôi... 
Vườn ươm cao su. Ảnh: Minh Chí- TTXVN
Vườn ươm cao su. Ảnh: Minh Chí- TTXVN

Anh Lò Văn Sương cho biết, trước kia ở nơi ở cũ, có cuộc sống gia đình anh rất khó khăn vì gia đình anh chưa biết chăn nuôi, trồng trọt đúng phương pháp, chăn nuôi chỉ mang tính tự cung, tự cấp. Về nơi ở mới, ban đầu gia đình cũng khó khăn vì môi trường sinh sống mới. Gia đình anh đã cố gắng vươn lên và hiện đã có khoảng 200 - 300 con gia cầm để bán, có ao thả cá...; mỗi năm thu nhập khoảng 50 - 70 triệu đồng. 

Hiện huyện Than Uyên có trên 10 nghìn hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn. Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, khi áp dụng mức chuẩn nghèo đa chiều, số hộ nghèo của huyện Than Uyên tăng lên khá cao. Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, chủ trương chung của huyện là phát huy tính tự lực của nhân dân trong phát triển kinh tế. Với định hướng như vậy, công tác giảm nghèo của huyện luôn đạt kết quả cao. Chỉ tính riêng trong năm 2016, mục tiêu của huyện là giảm 4 - 5% tỉ lệ hộ nghèo nhưng huyện đã giảm được 7% tỉ lệ hộ nghèo, tương đương với khoảng 800 hộ thoát nghèo. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 30,15%. 

Ông Nguyễn Nghĩa Tâm, Chủ tịch UBND xã Tà Hừa, huyện Than Uyên cho biết: Tà Hừa là xã vùng sâu khó khăn cũng là xã tái định cư của huyện. Những năm qua, chính quyền xã luôn quan tâm đến công tác giảm nghèo; tích cực triển khai các mô hình, dự án chăn nuôi, trồng trọt... Các cấp chính quyền địa phương luôn tuyên truyền, vận động đồng bào, đặc biệt là người dân tái định cư chủ động, phát huy tinh thần tự giác vươn lên, coi đây là hướng đi chính để các hộ vươn lên giảm nghèo, phát triển kinh tế một cách hiệu quả nhất. 

Thời gian tới, mục tiêu trong công tác giảm nghèo của huyện Than Uyên là giúp 4 - 5% hộ dân thoát nghèo. Để đạt mục tiêu này, các xã, thị trấn đã vận động người dân phát triển kinh tế dựa vào lợi thế của từng vùng. Ông Vương Thế Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Huyện đang tập trung triển khai phát triển vùng lúa chất lượng cao, phát triển vùng chè tập trung. Đặc thù của các hộ nghèo trên địa bàn huyện Than Uyên là do thiếu đất canh tác và thiếu nguồn lực để xây dựng các mô hình kinh tế. Trước thực tế đó, huyện đã giúp các hộ trên vay vốn ưu đãi ngân hàng, triển khai hỗ trợ có điều kiện. Chính những định hướng và chính sách như vậy đã hạn chế được tính ỷ lại, các hộ khó khăn có thêm nhiều động lực để vươn lên thoát nghèo. 

Thực tế, không ít địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu được thụ hưởng nhiều chính sách giảm nghèo của Chính phủ nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức chủ động, tự lực vươn lên thoát nghèo cho các hộ khó khăn là cách làm của huyện Than Uyên, giúp địa phương thực hiện giảm nghèo đạt hiệu quả cao, hạn chế tình trạng tái nghèo, nâng cao đời sống của người dân.
Quang Duy
TTXVN

Có thể bạn quan tâm