Người "truyền lửa" văn hóa dân tộc Pà Thẻn

Người "truyền lửa" văn hóa dân tộc Pà Thẻn
Nghệ nhân dân gian Sìn Văn Phong cúng lễ trong Lễ hội Nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn.
Nghệ nhân dân gian Sìn Văn Phong cúng lễ trong Lễ hội Nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn.

 Ông Sìn Văn Phong là truyền nhân đời thứ 5 trong gia đình có truyền thống làm thầy cúng. Từ bé ông thường xuyên được cha mình là thầy cúng Sìn Láo Xỉ kể cho nghe những câu chuyện cổ về truyền thống văn hóa của dân tộc Pà Thẻn từ xa xưa. Đến năm 11 tuổi, ông được chỉ bảo, truyền dạy lại những nghi thức, các bài cúng lễ và cho đi theo học cách làm thầy cúng. Học được 3 năm thì ông tạm dừng để đi học văn hóa và tham gia công tác tại xã một thời gian. Năm 29 tuổi, ông lại tiếp tục học nghề và được cấp sắc lần đầu sau đó một năm, được làm thầy cúng Thần, cúng tổ tiên. Từ đó, trong 10 năm liền, ông được cấp sắc đến bậc cao nhất là bậc 8 (có 9 bậc cấp sắc) và là nghệ nhân có cấp bậc cao nhất hiện nay ở trong vùng, được phép mặc áo thầy, cúng trả lễ, giải hạn, đưa ma, làm phép thần... 

Năm 1994, ông thay cha thực hiện nghi lễ truyền nghề thầy cúng (được tổ chức để các thầy cúng nhận học trò và truyền dạy các kiến thức để trở thành một thầy cúng cho thế hệ sau), cúng Lễ hội Nhảy lửa. Đến nay, nghệ nhân Sìn Văn Phong đã có thâm niên 30 năm làm nghề thầy cúng của dân tộc Pà Thẻn. Không chỉ làm thầy cúng trong các nghi lễ ở địa phương, ông Phong còn giới thiệu nét văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn đến nhiều địa phương trong cả nước như thực hiện Lễ hội Nhảy lửa tại Đại hội dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc (Thái Nguyên năm 2011); tham gia thi Tìm kếm tài năng Việt Nam (Hà Nội năm 2012)...

Trăn trở với việc truyền lưu văn hóa dân tộc, ông Phong là một trong những nghệ nhân đầu tiên ủng hộ việc thành lập Hội Nghệ nhân dân gian xã Tân Bắc (năm 2012) và là một trong những hội viên tích cực trong các hoạt động của Hội. Ông Phong chia sẻ: “Văn hoá truyền thống của dân tộc Pà Thẻn ở Làng văn hóa thôn My Bắc rất phong phú, đa dạng và mang sắc thái riêng. Nếu không truyền lại cho thế hệ sau thì không thể tiếp nối và theo thời gian sẽ bị mai một”. Với suy nghĩ đó, ông đã tự mở lớp dạy nghề thầy cúng cho con em trong thôn bản để lớp trẻ hiểu nguồn gốc, truyền thống của dân tộc Pà Thẻn (sau nghi lễ truyền nghề vào 16.10 âm lịch hàng năm). Lớp học kéo dài liên tục đến ngày 15 tháng Giêng năm sau mới nghỉ và đến ngày 16 tháng 10 lại tiếp tục. Trung bình mỗi lớp có gần chục học trò (từ 7 tuổi trở lên), học vào buổi tối từ 8 giờ đến 11 – 12 giờ, có lúc đến 1 – 2 giờ sáng. Một khoá học làm thầy cúng kéo dài ít nhất là 3 năm. Ông dạy cho học trò những nghi thức cúng, tên tuổi của tổ tiên, tên tuổi của các đời thầy cúng trước để học trò ghi nhớ và cứ sau mỗi giai đoạn học nhất định, người học trò sẽ được làm lễ cấp sắc. Nhờ đó, nhiều người trong làng bản (trong đó có con trai, cháu trai ông là anh Sìn Ngọc Thái, Sìn Văn Tâm) đã biết và thành thạo các nghi thức cúng lễ, các bài cúng truyền thống của dân tộc Pà Thẻn.

Với những đóng góp của mình, ông Sìn Văn Phong đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc và nhiều Giấy khen của tỉnh, huyện. Đánh giá về ông, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Bắc, Kim Ngọc Hiếu cho biết: Ông Phong là người có uy tín, đặc biệt trong cộng đồng dân tộc Pà Thẻn; ông đã dành nhiều tâm huyết cho việc truyền dạy, bảo tồn văn hóa truyền thống cho thế hệ sau.
Báo Hà Giang

Có thể bạn quan tâm