Người dân Phước Long chung sức xây dựng nông thôn mới

Người dân Phước Long chung sức xây dựng nông thôn mới
Đường giao thông nông thôn ở xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long được kiên cố hóa. Ảnh: Phan Thanh Cường - TTXVN
Đường giao thông nông thôn ở xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long được kiên cố hóa. Ảnh: Phan Thanh Cường - TTXVN

Phước Long đang thay đổi rõ rệt sau khi địa phương thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, từ cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm, cảnh quan đô thị, môi trường, thiết chế văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Điều thấy rõ nhất là đường giao thông nông thôn, đường liên xã, liên ấp, nay đã được trải nhựa bằng phẳng đến tận nhà dân; cảnh quan vùng nông thôn, hàng rào xây xanh, hoa kiểng trồng trước sân nhà, dọc theo đường được chăm sóc, cắt tỉa thẳng hàng, gọn gàng, ngăn nắp. Có được cơ sở hạ tầng hoàn thiện, cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, cuộc sống người dân khấm khá như hôm nay là nhờ chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân về xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước.

Ông Phạm Hoài Thu (58 tuổi, ngụ ấp Long Hậu, xã Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới, gia đình ông đã hiến 500m2 đất trị giá hàng trăm triệu đồng để làm đường. Ngoài ra, gia đình còn tham gia đóng góp đầy đủ các phong trào của xã phát động, riêng bản thân ông hiến kế, đóng góp nhiều ngày công lao động xây dựng cầu, đường ở địa phương. Ông Thu cho biết thêm, điều mà người dân ở đây phấn khởi hơn, từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới đời sống vật chất, tinh thần của bà con thay đổi rõ rệt. Nếu trước đây, việc đi lại hầu hết của người dân chủ yếu bằng đường thủy, tàu thuyền, nay đường nhựa, bê tông đã thông suốt ấp liền ấp, xã liền xã, vận chuyển nông sản thuận tiện, giao thương hàng hóa thông suốt. Đặc biệt, địa phương xây dựng khu thiết chế văn hóa giúp người dân có nơi sinh hoạt, vui chơi trong lúc nông nhàn, dịp lễ, tết… kết nối gần gũi hơn giữa dân với chính quyền.

Xã Phước Long là một trong những xã tiêu biểu, được công nhận nông thôn mới từ năm 2014.  Ông Dương Quốc Trung, Chủ tịch UBND kiêm Phó Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Phước Long cho biết, cái được nhất qua thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới là tinh thần đoàn kết, thống nhất cao của tập thể, Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân. Tiêu biểu là phòng trong trào hiến đất, vật tư, ngày công lao động xây dựng cầu, đường; phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; đóng góp quỹ an sinh xã hội; đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Qua phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, số hộ nghèo giảm mạnh, hộ khá giàu tăng nhanh. Hiện  hộ khá, giàu của xã đạt từ 75- 80%, nhiều hộ có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu, tỷ lệ hộ nghèo từng bước giảm dần, không còn hộ đói, thiếu ăn mùa giáp hạt.

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Phước Long, mặc dù thời điểm bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hết sức khó khăn, nhưng huyện quyết tâm khắc phục khó khăn, vận dụng sáng tạo chủ trương xây dựng nông thôn mới của Trung ương vào điều kiện thực tế địa phương, tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân trong huyện tích cực tham gia. Huyện thực hiện tốt phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc thực hiện chương trình, nhiều cách làm sáng tạo, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình đạt hơn 870 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 30 tỷ đồng.

Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Phước Long chia sẻ, là huyện thuần nông, trong thực hiện nông thôn mới địa phương đặc biệt quan tâm đến tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người. Để thực hiện có hiệu quả, huyện tăng cường chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, thực hiện tốt các mô hình sản xuất kết hợp bền vững đạt hiệu quả kinh tế cao trên cả 2 vùng sản xuất, nhất là mô hình: Lúa - màu, lúa - cá, lúa - tôm, tôm - cá, tôm - cua; phát triển đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi động vật hoang dã có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, đến nay huyện xây dựng được 31 cánh đồng mẫu lớn, tổng diện tích gần 2.200 ha và vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao.

Trong lĩnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ, huyện phát huy các cơ sở sản xuất hiện có, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm; gắn với khôi phục, phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống, nhất là liên kết các cơ sở, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân...

Chủ tịch UBNDhuyện Phước Long phấn khởi cho biết, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện chủ động sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Từ đó, sản xuất không ngừng phát triển, kinh tế tăng trưởng bền vững mức độ cao, văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh quốc phòng đảm bảo giữ vững, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, diện mạo nông thôn thật sự đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Huyện Phước Long có 7 xã và một thị trấn, với gần 30.000 hộ, hơn 122.000 khẩu, đa phần người dân sống bằng nghề nông. Năm 2010, Phước Long vinh dự được Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chọn là một trong 5 huyện chỉ đạo điểm của cả nước về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015. Đến nay, 7/7 xã đạt 19/19 tiêu chí và đã được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận xã nông thôn mới./.
Huỳnh Sử 

Có thể bạn quan tâm