Nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa xã

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa xã
Ảnh: internet
Ảnh: internet

Nhằm xây dựng nông thôn mới, tỉnh Kiên Giang đã tập trung thực hiện đồng bộ các tiêu chí, trong đó có tiêu chí về nhà văn hóa xã. Song, thực tế, sau khi những công trình này được đưa vào sử dụng lại ít phát huy hiệu quả do "vướng" về cơ chế và phương thức hoạt động. Khắc phục những bất cập đó, hơn hai năm qua, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đã có cách làm riêng, bước đầu đã đem lại hiệu quả đáng mừng. 

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hoa, ngụ xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng cho biết, trước đây, khu vực này cỏ mọc um tùm. Từ khi trung tâm văn hóa được xây dựng, khu vực này đã trở nên sạch sẽ. Cứ đến buổi chiều, người dân đến đây tập thể dục, trẻ em có nơi vui chơi giải trí lành mạnh. Ông Đặng Văn Phòng, người dân ở xã Ngọc Chúc cho biết, từ khi trung tâm văn hóa được xây dựng, người dân ai cũng phấn khởi. Hằng ngày, người dân đến tập thể dục, xem biểu diễn văn nghệ... 

Tuy đã đạt hiệu quả bước đầu, song Trung tâm văn hóa xã vẫn còn thiếu thiết bị và kinh phí hoạt động, nhân lực phụ trách và phục vụ cho hoạt động tại các trung tâm. Ông Lê Thanh Thơm, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chúc cho biết, nguồn kinh phí đầu tư cho các trung tâm văn hóa khoảng 500 triệu đồng, chủ yếu dành để xây dựng sân khấu ngoài trời, sân và các công trình phụ. Do vậy, các hoạt động tại nhà văn hóa mới chỉ dừng lại ở các sự kiện văn hóa, văn nghệ vào các dịp lễ, tết hàng năm. Các hoạt động thể dục, thể thao hàng ngày vẫn còn hạn chế. Xã Ngọc Chúc có hai trung tâm văn hóa được xây dựng, các trang thiết bị chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên chưa khai thác hết công năng hoạt động. 

Một bất cập khác của các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa xã là một số được xây dựng địa điểm không gần khu dân cư nên không thu hút được nhiều người dân đến sinh hoạt thường xuyên. Theo ông Lê Thanh Thơm, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chúc, để trung tâm văn hóa xã hoạt động tốt hơn, cần đầu tư thêm nhà thể thao đa năng… 

Để khắc phục những bất cập này, huyện Giồng Riềng đưa ra nhiều biện pháp, trong đó chú trọng xã hội hóa từ hoạt động trung tâm văn hóa và nhà văn hóa; thành lập ban chủ nhiệm có sự tham gia của các ngành, đoàn thể ở địa phương từng bước đưa hoạt động của trung tâm văn hóa, nhà văn hóa xã được thường xuyên hơn. 

Theo ông Lê Hoàng Lắm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao huyện Giồng Riềng, khó khăn nhất hiện nay là nguồn kinh phí trong hoạt động trung tâm văn hóa. Vì vậy, thời gian tới, Giồng Riềng kêu gọi xã hội hóa cho các trung tâm văn hóa để có kinh phí hoạt động. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng bổ sung kinh phí thêm hàng năm cho các trung tâm văn hóa để trung tâm tổ chức được nhiều hoạt động hơn. 

Các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa được xây dựng không chỉ là nơi sinh hoạt phục vụ vui chơi giải trí văn hóa, văn nghệ ở địa phương mà còn hình thành một thiết chế văn hóa ở cơ sở đảm bảo tiêu chí của xã nông thôn mới. Vì vậy, việc khắc phục những bất cập, vướng mắc để mô hình này hoạt động hiệu quả là cần thiết. Ngành Văn hóa, Thể thao tỉnh Kiên Giang, chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần sớm ban hành một quy chế hoạt động thống nhất đối với các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa xã. Bên cạnh đó, các ngành và các địa phương cần tăng cường phối hợp tổ chức hoạt động; kêu gọi đẩy mạnh xã hội hóa, đưa mô hình này hoạt động hiệu quả hơn.
Lê Sen 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm