Lâm Đồng không chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới

Lâm Đồng không chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới
Để nông thôn mới ở tỉnh Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng thật sự "thay da đổi thịt” và bền vững cần tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo sự đồng thuận trong lòng dân và nhất là tránh chạy theo thành tích.

Theo Ban điều phối xây dựng nông thôn mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Lâm Đồng là một trong 26 tỉnh trong toàn quốc không có nợ đọng nông thôn mới. Quá trình xây dựng nông thôn mới đã giúp đời sống nhân dân có nhiều đổi thay về cả diện mạo lẫn chất lượng trên mọi mặt của đời sống.

Đường giao thông nông thôn ở xã Quảng Trị (huyện Đạ Tẻh) được “bê tông hóa”. Ảnh: tintaynguyen.com
Đường giao thông nông thôn ở xã Quảng Trị (huyện Đạ Tẻh) được “bê tông hóa”. Ảnh: tintaynguyen.com 

Trong những ngày cuối tháng 10/ 2018, phóng viên đã có dịp đến các huyện Đạ Tẻh, Di Linh và Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng. Đơn Dương là huyện nông thôn mới đầu tiên của Tây Nguyên. Đời sống của người dân, bộ mặt nông thôn tại đây thực sự đã khởi sắc, kinh tế - văn hóa - xã hội được nâng cao. Đặc biệt, nhiều ngôi làng ở đây vẫn giữ được nét văn hóa làng quê. Ấn tưởng nhất là những con đường quê xanh mát, chạy dài từ trong thôn ra đến cánh đồng dâu tằm tại xã Mỹ Đức, huyện  Đạ Tẻh.

Ông Nguyễn Hồ, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh cho biết, gia đình ông đến Đạ Teh năm 1960. Những năm gần đây, nhờ xây dựng nông thôn mới, làng quê nơi đây đã có  nhiều đổi thay. Cuộc sống của người dân đã đầy đủ sung túc, điện - đường khang trang.

Về những bài học trong xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh Bùi Văn Hùng cho biết, toàn huyện đang dồn toàn lực cho 3 xã xây dựng nông thôn mới, huyện phấn đấu đến 2019 sẽ về đích nông thôn mới. Huyện tập trung giao khoán, cấp đất ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu có cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, chuyển đổi diện tích cây điều kém hiệu quả sang trồng cây dâu tằm. Cây dâu tằm hiện có giá trị kinh tế rất cao. Do đó từ 200 ha năm 2015, đến nay huyện đã phát triển lên 1.500 ha cây dâu tằm, cho người trồng thu nhập 200 triệu/ha/năm. Năm 2018, huyện đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi 1.500 ha cây điều kém hiệu quả sang cây trồng khác…

Tại Lâm Đồng, sau hơn 8 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, số các xã về đích tăng lên nhưng các yêu cầu về quy định trong bộ tiêu chí nông thôn mới cũng được nâng lên theo từng giai đoạn nhằm theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội. Vì vậy, con đường về đích nông thôn mới càng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn của các địa phương. Mặt khác, một số địa phương, tuy đã về đích nông thôn mới nhưng một số tiêu chí về cơ sở hạ tầng lại chưa thực sự được hoàn thiện để có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Xã Hòa Ninh, huyện Di Linh dù đã đạt xã nông thôn mới, nhưng các con đường liên thôn, liên xã vẫn là đường đất đá. Theo ông Trần Hải Đảo, thôn 10 xã Hòa Ninh, huyện Di Linh: Đường đi lại khó khăn nên người dân đã tự đổ đá, cải tạo đi tạm. Người dân đã kiến nghị nhiều lần để được đầu tư nâng cấp tuyến đường này nhiều lần mà chưa được.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khái, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Hòa Ninh, huyện Di Linh cho rằng "Để quá trình xây dựng nông thôn mới được bền vững, cần sự chung tay hỗ trợ để nhân dân trong xã hoàn thiện và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới".

Tình trạng giao thông kém chất lượng cũng xảy ra tại huyện nông thôn mới Đơn Dương - một trong 4 huyện trong toàn quốc được Trung ương chọn chỉ đạo thực hiện đề án mô hình thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Quốc lộ 27 đoạn đi qua huyện Đơn Dương xuống cấp trầm trọng do quá trình xây dựng lâu năm cộng với  số lượng người và phương tiện lưu thông ngày càng tăng cao.

Bên cạnh trình trạng nhiều tuyến đường giao thông xuống cấp, huyện Đơn Dương cũng mới chỉ có 25% trường Trung học Phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Tiêu chí về thủy lợi cũng gặp khó khăn với 78% đất sản xuất chưa được sử dụng nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi. 30% hệ thống kênh mương chưa được kiên cố hóa. Việc xử lý rác thải chưa thực sự đạt hiệu quả nhằm đảm bảo tiêu chí về vệ sinh môi trường nông thôn. Điều này đòi hỏi địa phương có nhiều nỗ lực cũng như sự quan tâm từ các cấp, các ngành để Đơn Dương hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn 2018 – 2025.

Toàn tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đến hết năm 2018 có 87/116 xã và hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2020, tỉnh phấn đấu có ít nhất 110 xã  (chiếm 94% tổng số xã) và từ 6 huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, tỉnh đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn với các chỉ tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đạt 170 triệu đồng/ha/năm, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 73 triệu đồng...

Đến nay, Lâm Đồng có 77/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 66,38% số xã. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh huy động được hơn 57.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn gần 7 tỷ đồng, đạt gần 12%; vốn tín dụng hơn 36 tỷ đồng, đạt gần 60%; tổ chức, doanh nghiệp đóng góp gần 5 ngàn tỷ đồng, đạt gần 10%; vốn đóng góp của cộng đồng dân cư gần 10.000 tỷ đồng, đạt gần 19%...

Một sức sống mới đang bừng lên trên những cánh đồng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Đơn Dương hay ở cánh đồng dâu tằm xanh mướt tại huyện Đạ Tẻh…Người dân và cấp ủy, chính quyền các địa phương đều nhận ra rằng: Xây dựng nông thôn mới không phải chạy theo thành tích mà là thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thiết lập cho được một nền tảng chắc chắn, tạo đà cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn vươn lên mạnh mẽ.
 
Đặng Tuấn

Có thể bạn quan tâm