Chàng trai Đà Lạt du học ở Mỹ, về làm chủ trang trại các nông sản tí hon

Chàng trai Đà Lạt du học ở Mỹ, về làm chủ trang trại các nông sản tí hon

Du học Hoa Kỳ đi làm nông

Đưa chúng tôi bước vào vườn dưa leo cho những trái tí hon chi chít quả, Nguyễn Thành Nguyên liền với tay hái 5 quả dưa leo đặt lọt thỏm trong lòng bàn tay đon đả mời khách nếm thử. Giòn, thơm, ngon... là cảm giác mà chúng tôi cảm nhận được khi ăn những quả dưa leo tí hon do chính bàn tay chàng trai Đà Lạt làm ra. Chỉ sang bên kia nông trại, Nguyên nói: “Bên đó là khu trồng các loại cà chua, củ dền, củ cải, cà rốt… tất cả sản phẩm đều không thể to hơn ngón tay cái!... Đó là những sản phẩm độc và lạ của mình”. 
Mấy ai biết rằng, ông chủ nông trại của các loại rau, củ, quả tí hon này từng có thời gian dài theo học tại Hoa Kỳ, ngành Quản trị kinh doanh. Năm 2012, Nguyễn Thành Nguyên về nước làm việc cho một công ty chuyên xuất nhập khẩu các mặt hàng về nông sản tại TP. HCM. Chỉ sau vài tháng làm việc tại đây, chàng trai Đà Lạt quyết định từ bỏ công việc, trở về phố núi theo mẹ học nghề làm nông. Sở dĩ Nguyễn Thành Nguyên có quyết định táo bạo này là trong một lần làm việc với đối tác Canada, phía đối tác đặt vấn đề hợp tác với Nguyên để sản xuất đậu Hà Lan. Phía Nguyên chịu trách nhiệm sản xuất, họ cam kết bao tiêu sản phẩm. Vậy là Nguyễn Thành Nguyên quyết định trở về Đà Lạt, bắt tay ngay vào việc làm ăn mới của riêng mình.
 
Nguyễn Thành Nguyên bên vườn dưa leo trái tí hon
Nguyễn Thành Nguyên bên vườn dưa leo trái tí hon

Vùng đất chàng trai này chọn để phát triển kinh tế cho riêng mình là thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 20 km. Đây là vùng đất hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho ngành nông nghiệp công nghệ cao phát triển. Từ 3 ha đất sản xuất ban đầu, chỉ sau 3 năm, Nguyễn Thành Nguyên đã xây dựng thành một nông trại sản xuất rau công nghệ cao lớn bậc nhất tỉnh Lâm Đồng với diện tích lên tới 20 ha. Toàn bộ nông sản của Nguyễn Thành Nguyên, gồm trên 10 loại rau, củ quả, đều được canh tác trong nhà kính, quy trình khép kín, tưới tiêu tự động gồm phun sương và nhỏ giọt, chất lượng sản phẩm đạt chuẩn VietGAP. Ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước, mỗi tháng Nguyễn Thành Nguyên xuất sang Canada và Đài Loan hàng chục tấn đậu Hà Lan, rau xà lách Mỹ. 
Nông sản tí hon
Nguyễn Thành Nguyên chia sẻ, thị hiếu người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao, không chỉ đơn thuần là sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà hình thức sản phẩm đẹp mắt cũng là điều kiện mang tính bắt buộc đối với thời buổi hiện nay. Chính vì vậy, bên cạnh những nông sản chủ lực truyền thống, chàng trai Đà Lạt này đã mạnh dạn đi tìm những sản phẩm mới để đầu tư sản xuất.
Không chỉ có dưa leo tí hon, trong trang trại nông nghiệp công nghệ cao của mình, Nguyễn Thành Nguyên còn trồng nhiều loại cà chua siêu nhỏ, trái chỉ bằng ngón tay út với nhiều màu sắc khác nhau, cà rốt củ bằng ngón tay cái, củ dền to bằng ngón chân... Chính cái tí hon của những sản phẩm nông nghiệp này đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý đặc biệt của người tiêu dùng. Những sản phẩm của Nguyễn Thành Nguyên hiện đều được các hệ thống siêu thị lớn hàng đầu Việt Nam nhận bao tiêu sản phẩm. Tất cả giống của rau, củ, quả siêu nhỏ này đều được Nguyễn Thành Nguyên nhập từ nước ngoài. 
Nguyên cho biết, với điều kiện thổ nhưỡng ở Đà Lạt rất khác các nước có xuất xứ hạt giống, những lứa nông sản siêu nhỏ đầu tiên Nguyên đã gánh chịu thất bại nặng nề khi chất lượng sản phẩm không đạt chuẩn. “Chẳng hạn như dưa leo, mình trồng cây phát triển tốt, cho trái nhiều nhưng ăn thì nhạt thếch, chẳng có hương vị gì cả!...” - Nguyên chia sẻ. Thất bại lứa đầu, Nguyên cùng tổ kỹ sư đã ngồi lại họp bàn, tìm cách khắc phục bằng việc điều chỉnh kỹ thuật chăm sóc. 
“Mình muốn tạo ra cái mới, mang dấu ấn của riêng mình thì mới có thể thành công. Một người học Quản trị kinh doanh, kiến thức về nông nghiệp rõ ràng là thua xa những người làm nông nhiều đời ở Đà Lạt, nếu cũng làm giống họ thì bất lợi nhất định thuộc về phía mình. Hồi du học ở Hoa Kỳ, mình cũng đã từng bị thu hút bởi những loại hoa quả siêu nhỏ này!...”. Chính vì lẽ đó, bên cạnh những mặt hàng truyền thống, các loại nông sản tí hơn đã được Nguyễn Thành Nguyên lựa chọn để phát triển kinh tế theo lối đi của riêng mình.
Đến nay, mỗi tháng nông trại của Nguyên cung ứng khoảng 5 tấn rau củ tí hon, có mặt ở các siêu thị, cửa hàng và những nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế trên cả nước. Bên cạnh đó, hàng chục tấn nông sản thông thường khác cũng được chàng trai này xuất ra thị trường với lợi nhuận lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm