Cần Thơ khắc phục những hạn chế trong xây dựng nông thôn mới

Cần Thơ khắc phục những hạn chế trong xây dựng nông thôn mới
Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
 Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Qua 5 năm, tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới của thành phố Cần Thơ đạt 5.733 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 50,5%, vốn huy động chiếm 49,5%. Đối với vốn huy động, lớn nhất là vốn tín dụng với gần 1.970 tỷ đồng, kế đó là vốn do người dân đóng góp trên 420 tỷ đồng và huy động từ doanh nghiệp trên 230 tỷ đồng. Đến nay, Cần Thơ có 20/36 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là huyện Phong Điền.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 09, việc huy động và sử dụng các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới được Cần Thơ thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả, nhất là việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo chuyển biến rõ nét trong khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 09, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự chủ động, công tác phối hợp nhiều nơi chưa chặt chẽ, đồng bộ, chưa huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Một số địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách. Việc mời gọi, thu hút doanh nghiệp, tín dụng nhân dân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.

Mặc dù các tiêu chí đặt ra đã hoàn thành nhưng chất lượng một số tiêu chí chưa thật sự bền vững, đặc biệt là ở một số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nhiều tiêu chí đạt rất cao nhưng một số vẫn còn thấp.

Đến nay, Cần Thơ vẫn còn 11 xã chưa có đường giao thông, 9 xã chưa có trường học đạt chuẩn quốc gia và 15 xã chưa có thiết chế văn hóa theo quy định. Đặc biệt, theo Nghị quyết số 09, đến cuối năm 2015 Cần Thơ phải cơ bản hoàn thành tiêu chí về nhà ở dân cư nhưng đến nay vẫn còn nhiều địa phương chưa hoàn thành.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09, ông Phạm Văn Hiểu đề nghị cần tăng cường chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, các cấp trong việc triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 09. Các địa phương, đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Nghị quyết với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp tình hình thực tế. Bên cạnh đó, tiếp tục huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; quan tâm đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, đảm bảo đầu ra cho nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động một cách sâu rộng và đồng bộ về ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới. Thông qua tuyên truyền để cán bộ, đảng viên nhất là nông dân nhận thức được vai trò chủ thể trong công tác xây dựng nông thôn mới, là người thụ hưởng những thành quả mà chương trình mang lại để tự giác và tích cực tham gia.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09, nhận thức của người dân được nâng lên về sản phẩm sạch, chất lượng cao, tư duy liên kết theo chuỗi, sản xuất hàng hóa tập trung dần được phát huy. Diện tích cánh đồng lớn hàng năm dần được tăng lên. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2015 gấp 1,7 lần 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển sâu rộng.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập trung hướng dẫn nông dân tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, phát triển các loại cây ăn trái có giá trị cao mang tính địa phương như cam mật, cam sành Phong Điền, dâu Hạ Châu cho thu nhập 370 triệu/ha/năm…Đặc biệt, ở một số nơi, nông dân còn gắn phát triển vườn cây ăn trái với dịch vụ du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, thời tiết phức tạp, dịch bệnh khó lường, nông sản hàng hóa đối mặt sự cạnh tranh quyết liệt của nông sản nước ngoài, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ đề nghị thành phố nên tăng mức đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, khuyến khích hỗ trợ nhiều hơn cho các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tiêu thụ hàng hóa cho nông dân./.
Thanh Liêm

Có thể bạn quan tâm