Báu vật của già Rơ Châm Nhang

Báu vật của già Rơ Châm Nhang
Già Nhang bên những chiếc cồng chiêng.
Già Nhang bên những chiếc cồng chiêng. 

Khi chúng tôi gọi già là nhà sưu tầm, bảo tồn văn hóa Tây Nguyên, già cười lớn: “Không đâu! Phần lớn là tài sản do cha ông để lại, phần khác là do mình thích nên tìm về, lưu giữ lại thôi”. Nói rồi, già dẫn chúng tôi lên nhà sàn. Tại đây, già dành hẳn một gian để trưng bày rất nhiều sản phẩm đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Từ những chiếc gùi, bộ cồng chiêng được treo trên vách nhà sàn cho đến những chiếc ghè xếp kín bốn góc nhà, rồi những chiếc nồi đồng, rìu, rựa… Tất cả đều được già lau chùi sạch bóng và xếp ngay ngắn, cẩn trọng. Già bảo, những chiếc ché, chiếc cồng chiêng này là vật gia bảo và là báu vật của riêng mình.

Chỉ vào góc nhà, già hỏi đố: Nhà báo có phân biệt được ghè nào là ghè quý không? Rồi chẳng để khách phải lúng túng, già Nhang đi về phía góc nhà, cẩn thận lấy ra 2 chiếc ghè lớn và nói: “Đây là ghè Tôk và ghè Đan Krên, 2 trong 8 chiếc ghè quý của gia đình mình. 2 chiếc ghè này khi xưa ông bà mình đã phải đổi bằng 7-8 con trâu to”. Nói rồi, già ngồi trầm ngâm như nhắc nhớ lại những năm tháng xưa cũ: Khi đó, gia đình già cũng được xếp vào hàng giàu có trong làng và mức độ giàu có hay khá giả được tính bằng trâu, bò và những chiếc ghè, bộ chiêng. Thậm chí, có những chiếc ghè, chiếc chiêng được cha mẹ đổi bằng 30 đến 40 con trâu. Sau này, khi những đứa con trong nhà bắt chồng, bắt vợ đều được cha mẹ chia cho những chiếc ghè, bộ cồng chiêng thay cho vàng bạc, của cải. Số còn lại đều được chôn theo cha mẹ khi chết, bởi “cái nào cha mẹ cho mình thì mình giữ lại, còn cái nào của cha mẹ thì khi chết phải mang theo, đó là phong tục xưa nay rồi”-già Nhang giải thích. Cũng theo già, những chiếc ghè quý của gia đình sau khi chôn theo cha mẹ đều bị đập bể ở dưới đít ghè như để nói thay lời của người sống về sự mất mát, không lành lặn đồng thời cũng là cách để tránh sự xâm phạm từ bên ngoài.   

Bản thân già Nhang sau khi “bắt vợ” cũng được cha mẹ chia cho 8 chiếc ghè quý có giá trị bằng nhiều con trâu, con bò và gần 10 bộ cồng chiêng. Đã có lúc cuộc sống gia đình rất khó khăn song già vẫn luôn nhắc nhở bản thân phải giữ lại những báu vật của cộng đồng, thậm chí khi có tiền, già còn lặn lội đi các vùng lân cận để sưu tầm thêm nhiều chiếc ghè khác của các dân tộc anh em. Hiện nay, già có gần 40 chiếc ghè nhưng chỉ một vài cái có giá trị về tiền bạc cũng như tuổi đời, còn lại chủ yếu là giá trị về mặt tinh thần. Già Nhang chia sẻ, nếu rượu cần là thứ không thể thiếu trong các lễ hội của người Jrai thì song hành với đó, những chiếc ché (ghè) cũng rất quan trọng. Vì vậy, dù là giàu hay nghèo, trong mỗi nếp nhà sàn của người Jrai đều có 1-2 chiếc ghè, tuy nhiên ghè quý như già Nhang đang sở hữu thì không nhiều. Cũng không ít người Kinh, Jrai ở các huyện tìm đến nhà già, trả giá cao để mua những chiếc chiêng, chiếc ghè nhưng già không bán. “Dù có trả giá cao bao nhiêu già cũng không bán đâu! Bởi, đây là vật gia bảo, sau này mình có chết đi cũng phải có cái gì để lại cho con cháu. Với lại, bây giờ có tiền muốn tìm mua những chiếc ghè như thế cũng không có đâu!”-già trải lòng.

Đưa tay chạm nhẹ lên chiếc chiêng đang treo trên vách nhà sàn, già Nhang tiếp tục giới thiệu với chúng tôi về những bộ cồng chiêng mà mình đang cất giữ. Già kể: “Lúc trước, những bộ chiêng này thường được dùng trong các dịp lễ hội của làng hay những lúc làng có việc quan trọng. Mỗi khi tiếng chiêng vang lên, cũng là lúc dân làng cùng nắm tay nhau hòa trong điệu xoang bên ánh lửa và ngất ngây trong men say hương rượu cần”. Nhưng giờ đây, những bộ cồng chiêng của già ít có dịp sử dụng, vì làng cũng ít lễ hội hơn trước và thanh niên ngày nay cũng không mặn mà với tiếng cồng chiêng. Chỉ khi nào nhớ tiếng chiêng quá, già lại mời những ông bạn già đến nhà, cùng ngồi với nhau và chơi cồng chiêng cho đỡ nhớ...

Ngoài bộ cồng chiêng đang treo trên vách nhà, già còn cất giữ cẩn thận nhiều bộ cồng chiêng có giá trị khác. “Đã có người trả 30 triệu đồng/bộ nhưng già không bán. Những bộ cồng chiêng này bây giờ có tiền cũng không biết mua ở đâu nên già phải cất giữ cẩn thận, chỉ đem ra dùng khi làng có việc hoặc ai có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng”-già Nhang bộc bạch.

…Để những giá trị tinh thần của cộng đồng không bị mai một theo thời gian, thời gian gần đây, già Nhang bắt tay vào việc xây dựng quán ăn mang đậm dấu ấn núi rừng, chuyên phục vụ cơm lam, gà nướng, rượu cần-những món đặc sản của dân tộc Jrai. Bên cạnh đó, quán còn phục vụ những tiết mục văn nghệ đặc trưng của người dân bản địa: đốt lửa trại, múa xoang, đánh cồng chiêng… và nếu khách cho nhu cầu tham quan, tìm hiểu về văn hóa bản địa thì chính già sẽ là hướng dẫn viên. “Quán sẽ mời những nghệ nhân đến biểu diễn bằng chính những bộ cồng chiêng quý của gia đình”-già Nhang cho hay.
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm