Phát triển Đồng Tháp Mười thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Phát triển Đồng Tháp Mười thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Trong 30 năm qua, Nhà nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông; ứng dụng khoa học kỹ thuật đã biến vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng thành vùng sản xuất lúa, với 350.000 ha đang canh tác, chủ yếu là lúa với tổng sản lượng trên 3 triệu tấn/năm, đóng góp 20% lượng gạo xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một kỳ tích của người dân trong vùng làm được mà nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng không thể cải tạo được vùng đất phèn thành vùng sản xuất nông nghiệp như hiện nay.
Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày nông sản trong lễ khai mạc hội chợ triển lãm nông nghiệp công nghệ cao tiểu vùng Đồng Tháp Mười do Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cùng Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Long An phối hợp tổ chức tại Thành phố Tân An vào tối ngày 24/11/2017 vừa qua. Ảnh: Trần Thanh Bình – TTXVN
Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày nông sản trong lễ khai mạc hội chợ triển lãm nông nghiệp công nghệ cao tiểu vùng Đồng Tháp Mười do Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cùng Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Long An phối hợp tổ chức tại Thành phố Tân An vào tối ngày 24/11/2017 vừa qua. Ảnh: Trần Thanh Bình – TTXVN
       
Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân - Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng, vùng Đồng Tháp Mười có nhiều lợi thế so sánh so với các vùng khác như lợi thế về sinh thái, vị trí địa lý và không không gian kinh tế mở. Vì vậy, cần phát huy để phát triển vùng này thành vùng kinh tế trọng điểm và năng động của khu vực phía Nam. 

Cũng theo Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân, các lợi thế của vùng Đồng Tháp Mười là lợi thế hệ sinh thái ngập nước theo mùa và tài nguyên sinh vật rất đa dạng. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông sản bản địa đặc trưng cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, kết hợp với phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái. 

Hơn nữa, khu vực này có diện tích nông nghiệp trung bình cao hơn các khu vực khác nên dễ áp dụng cơ giới hóa, giảm giá thành và tạo ra lượng hàng hóa nông sản lớn có sức cạnh tranh cao. Vùng Đồng Tháp Mười gần vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gần khu vực dịch vụ hậu cần và cảng của Thành phố Hồ Chí Minh; nằm trên trục kinh tế nối với tiểu vùng phía Đông (biển) với phía Tây (Vương quốc Campuchia) và phía Bắc (vùng kinh tế Đồng Nam bộ) và phía Nam (vùng tứ giác Long Xuyên), lợi thế này thuận lợi cho phát triển dịch vụ nông nghiệp và du lịch nếu các tỉnh ưu tiên phát triển hệ thống giao thông. Vùng Đồng Tháp Mười gắn với nền văn hóa Óc Eo, với Tràm Chim, "cánh đồng hoang", các sản vật Sen, tràm, gạo huyết rồng, cá đồng... thuận lợi cho việc phát triển thương hiệu nông sản cũng như du lịch sinh thái. 
        
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết: “Vùng Đồng Tháp Mười còn có lợi thế phát triển nuôi thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, để phát triển thủy sản vùng Đồng Tháp Mười cần đẩy mạnh nuôi trồng theo hướng tập trung trên các diện tích ao với các đối tượng nuôi chủ lực: Cá tra, rô phi, cá lóc, trê và tôm càng xanh. Các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười nên hỗ trợ cho người dân phát triển nuôi cá mùa nước nổi với mô hình nuôi lồng, bè, vèo trên sông, kênh theo hướng bảo vệ môi trường’’. 

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Các tỉnh trong vùng Đồng Tháp Mười cần liên kết với nhau xây dựng thương hiệu quả gia cho các sản nông nghiệp chủ lực của vùng, đưa sản phẩm nông nghiệp vùng này tham gia thị trường quốc tế. Các tỉnh nên cùng nhau thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao từ khâu sản xuất đến khâu marketing và xúc tiến thương mại. 

"Các tỉnh ần chú trọng xây dựng phát triển thương hiệu cho nông sản của tỉnh mình để ngày càng nâng cao giá trị của sản phẩm, tạo thị trường bền vững cũng như phát huy tốt nhất lợi thế so sánh theo hướng chuyên môn hóa, tạo ra sự khác biệt và đa dạng giữa các vùng miền", ông Hồ nói. 
    
Trong định hướng phát triển đến năm 2020, các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười phối hợp với nhau đưa ra danh sách các danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao thân thiên với môi trường, gắn với phát triển du lịch sinh thái, với tổng vốn kêu gọi đầu tư là hơn 20 ngàn tỷ đồng. 

Các tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với liên kết, tiêu thụ, nâng cao chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Thực hiện hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tập trung đầu tư cho phát triển công nghiệp, chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sạch, công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn; 

Các tỉnh này khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế xây dựng, mở rộng quy mô và nâng cao năng lực sản xuất để mở thêm ngành nghề mới, tận dụng nguyên liệu tại chỗ phục vụ cho sản xuất. 

Theo ông Nguyễn Văn Được, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, các tỉnh trong vùng cần phối hợp với nhau nạo vét các tuyến kênh trục quan trọng, xây dựng cống ngăn mặn, trữ ngọt, chia sẻ nguồn nước hợp lý, nâng cấp các tuyến giao thông trọng điểm; đồng thời, tiếp tục xây dựng một số mô hình thí điểm trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản trên một ha đất canh tác. 

"Phải sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao với những cánh đồng lúa lớn, những trang trại cây ăn trái lớn; chăn nuôi sạch, tập trung, thành lập nhiều trang trại bò, vịt, khoanh vùng nuôi thủy sản bằng lồng bè và ao. Muốn liên kết vùng Đồng Tháp Mười thành công, không thể không gắn kết với Thành phố Hồ Chí Minh - với khoảng 10 triệu dân, Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ nông - thủy sản, sản phẩm chăn nuôi rất lớn, đủ giúp nông dân 3 tỉnh làm giàu...", ông Được nói./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm