Long An trả dứt điểm kinh phí hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản trong năm 2018

Long An trả dứt điểm kinh phí hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản trong năm 2018
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa nhận được kinh phí hỗ trợ nuôi thủy sản với tổng số tiền gần 28,9 tỷ đồng. Do đó, Ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND tỉnh Long An đề nghị UBND tỉnh cân đối ngân sách để chi trả dứt điểm trong năm 2018 và có báo cáo cụ thể với Thường trực HĐND tỉnh.
Nông dân vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh chưa nhận được tiền hỗ trợ từ chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản của tỉnh. Nguồn: Báo Long An online
Nông dân vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh chưa nhận được tiền hỗ trợ từ chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản của tỉnh. Nguồn: Báo Long An online

Chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An được đánh giá là đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nuôi thủy sản của vùng, hoàn thành mục tiêu chính sách đề ra.
 
Theo UBND tỉnh Long An, chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười theo Nghị quyết số 54/2012/NQ-HĐND ngày 13/7/2012 của HĐND tỉnh, được thực hiện từ năm 2014 – 2017 với các nội dung hỗ trợ như: Hỗ trợ 50% kinh phí mua giống cá bố mẹ lần đầu, kinh phí mua con giống mới, giống có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ 25% chi phí đầu tư xây dựng ao nuôi, ….
 
Qua hơn 4 năm triển khai, Nghị quyết này đã tạo được bước phát triển mới trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh, góp phần phát triển diện tích nuôi thủy sản của toàn tỉnh từ 8.929 ha (năm 2012) lên 9.170 ha (năm 2017), tăng sản lượng từ gần 21,6 nghìn tấn (2012) lên gần 35 nghìn tấn (2017).
 
Đến nay, ý thức của doanh nghiệp, người dân đã dần được thay đổi, hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã được thành lập. Đồng thời, tại các địa phương người dân đã tích cực quan tâm, tham gia các lớp đào tạo nghề nuôi thủy sản.
 
Ngoài tăng về diện tích, sản lượng, chính sách đã góp phần đa dạng, phong phú đối tượng nuôi, hình thức nuôi. Nhiều cá nhân, tổ chức đã mạnh dạn tự đầu tư sản xuất, đa dạng về hình thức và thành phần loài; trong đó, đã phát triển vượt bậc tình hình ương cá tra giống, bước đầu mang lại lợi nhuận khá cao, đạt từ 300 - 400 triệu đồng/ha (tổng diện tích ao ương cá tra toàn tỉnh hiện nay khoảng 1.310 ha).
 
Về kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, trong giai đoạn đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An đã rà soát, thẩm định để hỗ trợ cho 5.041 hồ sơ, với tổng số tiền hơn 54 tỷ đồng. Tỉnh đã giải ngân được hơn 20,6 tỷ đồng, chưa giải ngân số tiền gần 33,4 tỷ đồng.

Hiện tại, số tiền hỗ trợ đang giữ tại ngân sách huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng và Thạnh Hóa hơn 4,5 tỷ đồng, do khó khăn trong việc cân đối nên ngân sách vẫn còn thiếu gần 28,9 tỷ đồng./.
Bùi Giang
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm