Long An: Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững

Long An: Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An, từ năm 2016 đến nay, các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo được các cấp, ngành trong tỉnh triển khai tốt, tạo điều kiện cho hộ nghèo ổn định đời sống, phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Được vay 30 triệu vốn sản xuất, chị Phạm Thị Hương, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi heo để phát triển kinh tế. Nguồn: Báo Long An online
Được vay 30 triệu vốn sản xuất, chị Phạm Thị Hương, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi heo để phát triển kinh tế. Nguồn: Báo Long An online
  
Cụ thể, tỉnh thực hiện nhiều dự án đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu, duy tu bảo dưỡng công trình cho 18 xã biên giới và bãi ngang; thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng nguồn vốn dư nợ hơn 6.500 tỷ đồng; cấp miễn phí hơn 290.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, 231.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo, 108.000 thẻ cho các đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí hơn 304 tỷ đồng; xây dựng 942 căn nhà đại đoàn kết.

Cùng với đó, công tác giáo dục, đào tạo nghề và giải quyết việc làm đạt được nhiều kết quả tích cực với hơn 51.300 lao động được đào tạo nghề và hơn 117.000 lao động được giải quyết việc làm. Quỹ "Vì người nghèo” đã vận động gần 43 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo...
 
Nhờ đó, số hộ nghèo của tỉnh giảm từ 4,03% (năm 2016) xuống còn 2,93% (tháng 6/2018). Đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, người cận nghèo được cải thiện, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị.
 
Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn, tỉnh Long An  tập trung vào các giải pháp mang tính bền vững thiết thực, nghiên cứu chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang trợ giúp có điều kiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; kết hợp công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo.

Tỉnh huy động các nguồn lực và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí ngân sách và của cộng đồng xã hội để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững; bố trí kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng cho 17 xã biên giới và 1 xã bãi ngang ven biển; nâng cao chất lượng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và các chương trình vận động đóng góp hỗ trợ cho hộ nghèo, học sinh, sinh viên được tiếp sức đến trường...

Tỉnh cũng chú trọng triển khai thực hiện tốt công tác dạy nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ kinh tế và xuất khẩu lao động; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ dạy nghề, trong đó tập trung cán bộ ở cơ sở…/.
  Bùi Giang
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm