Long An: Nỗ lực cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

Long An: Nỗ lực cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công
PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam, tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên.
Trung tâm Hành chính công cấp huyện được thành lập bước đầu tạo sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi đến thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: Báo Long An online
Trung tâm Hành chính công cấp huyện được thành lập bước đầu tạo sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi đến thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: Báo Long An online
 
Theo kết quả công bố của Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, chỉ số PAPI năm 2017 của tỉnh Long An đạt được 38,30/60 điểm, đứng vị trí thứ 11 so với cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2016 và được vào nhóm thứ 2 đạt điểm trung bình cao. Trong đó, 5/6 chỉ số thành phần được đánh giá tăng điểm so với năm 2016.

Cụ thể chỉ số công khai, minh bạch và chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được xếp vào nhóm 1, là nhóm có điểm cao nhất cả nước. Chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công được xếp trong nhóm 2, là nhóm có điểm trung bình cao.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Long An, chỉ số PAPI hàng năm tăng, giảm không ổn định chưa thể hiện được tính bền vững trong từng chỉ số nội dung thành phần; có chỉ số tăng điểm nhưng vẫn nằm trong nhóm trung bình thấp của cả nước.
 
Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, cải thiện vị trí của tỉnh Long An trên bảng xếp hạng chỉ số PAPI năm 2018 và những năm tiếp theo.

Trên cơ sở công bố kết quả Chỉ số PAPI hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An báo cáo Chỉ số PAPI của tỉnh; đánh giá cụ thể các nội dung chỉ số, phân tích nguyên nhân các chỉ số giảm điểm, các chỉ số đạt điểm chưa cao để phối hợp các cơ quan, đơn vị theo chức năng quản lý chuyên ngành xác định nguyên nhân, trách nhiệm và để xây dựng kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nâng cao chỉ số PAPI trong những năm tiếp theo.

Đồng thời, công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh, công khai, minh bạch nội dung khảo sát chỉ số PAPI đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân để người dân tham gia khảo sát trả lời nội dung bảng hỏi phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh...
 
Các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cần rà soát những tồn tại, hạn chế qua kết quả công bố Chỉ số PAPI thuộc chức năng, nhiệm vụ và công tác quản lý của ngành để có kế hoạch khắc phục cụ thể, nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở đối với người dân, gắn với tăng cường kiểm tra, hướng dẫn để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các địa phương./.
  Bùi Giang
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm