Gạo sạch Việt Nam vươn tầm quốc tế

Gạo sạch Việt Nam vươn tầm quốc tế
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng phân tích cấu trúc thị trường; tình hình sản xuất, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam. Đồng thời, thảo luận đề ra nhiều giải pháp phát triển thương hiệu, khẳng định vị trí gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Cục phó Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Quốc Toản phân tích tình hình thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam tại Hội thảo. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN
Cục phó Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Quốc Toản phân tích tình hình thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam tại Hội thảo. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN
Theo ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện nay, Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới, chiếm 15% thị phần toàn cầu, thị trường xuất khẩu đến 150 nước, vùng lãnh thổ. Trong 11 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,64 triệu tấn, trị giá 2,83 tỷ USD.
 
Tuy nhiên, chúng ta đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu khác trong việc đầu tư phát triển khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh. Trong khi đó, các nước nhập khẩu đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn hàng, yêu cầu cao hơn về chất lượng. Đồng thời, tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh… gây ra nhiều khó khăn trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo của Việt Nam.
 
Do đó, ông Toản cho rằng, phải tập trung tái cơ cấu ngành lúa gạo; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu gạo bằng nhiều hình thức khác nhau như: đẩy mạnh hoạt động đàm phá song phương, đa phương nhằm đạt được các thỏa thuận mở cửa thị trường đối với mặt hàng gạo; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gạo; phát triển hệ thống phân phối trực tiếp sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường nước ngoài…
 
Còn theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), mặc dù xuất khẩu gạo vẫn là động lực quan trọng cho sự phát triển của ngành lúa gạo, nhưng chúng ta cũng cần hướng về thị trượng nội địa vốn chiếm đến 80% tổng sản lượng lúa gạo của cả nước. Thị trường nội địa cần đóng vai trò là nơi xây dựng và kiểm nghiệm chuẩn mực về chất lượng gạo, thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ của gạo Việt Nam. Sự thành công của việc xây dựng thương hiệu gạo Việt cho chính người Việt mới là nền tảng vững chắc giúp gạo Việt vươn xa ra thị trường thế giới.
 
Để ngành hàng lúa gạo của Việt Nam ngày càng phát triển bền vững, chinh phục thị trường quốc tế, TS. Nguyễn Đức Thành khuyến nghị nhiều chính sách cụ thể. Chẳng hạn như cần xây dựng và hoàn thiện bộ quy trình chuẩn về chế biến và xay xát lúa gạo; giảm số vụ trồng lúa trong một năm, giảm tỷ trọng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đất có thời gian phục hồi; nới lỏng quy chế hạn điền, khuyến khích tích tụ ruộng đất để trồng lúa quy mô lớn; phát triển cơ chế tài chính vi mô và bảo hiểm phù hợp cho người nông dân; tổ chức lại Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) để thực sự đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, doanh nghiệp…
 
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh cho biết, Long An là địa phương có diện tích sản xuất, sản lượng lúa gạo khá lớn. Tỉnh đề ra mục tiêu năm 2020, có 20.000 ha lúa sản xuất ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, giống đạt chuẩn cấp xác nhận và quy trình sản xuất theo hướng an toàn.

Tuy nhiên, quá trình sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Thông qua các cuộc hội thảo, các ý kiến của các nhà khoa học, doanh nghiệp, quản lý và nông dân góp phần giúp lãnh đạo các địa phương có những giải pháp phù hợp, hiệu quả để phát triển ngành hàng lúa gạo một cách bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thế giới./.
Bùi Giang
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm