Đất nước Haiti

Đất nước Haiti
Những ngôi nhà theo phong cách truyền thống.
Động đất và cuồng phong 

Vào năm 2010, Haiti phải chịu đựng một trận động đất kinh hoàng. Trận động đất mạnh trên 7 độ Richter, tâm chấn nằm cách thủ đô Port-au-Prince khoảng 25 km về phía tây, xảy ra vào lúc 16h53’, ngày 12/1/2010. Đi kèm trận động đất này là 14 dư chấn mà sức tàn phá cũng rất khủng khiếp. Theo Hội Chữ thập Đỏ quốc tế thì có tới 3 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Còn chính phủ nước này cho biết, trận động đất đã cướp đi mạng sống của hơn 200.000 người.

Trận động đất đã phá hủy hầu hết các công trình lớn của Port-au-Prince, kể cả Dinh Tổng thống, tòa nhà Quốc hội, Nhà thờ lớn. Trong cơn nguy khốn, người ta không biết chạy về đâu vì các bệnh viện đều đã đổ nát.

Chưa đủ thời gian để khắc phục thiệt hại do trận động đất gây ra, thì 6 năm sau, ngày 4/10/2016, Haiti lại phải chịu đựng một trận bão cực lớn. Đó là bão Matthew. Theo Reuters, số nạn nhân thiệt mạng do bão Matthew tại Haiti lên tới 877 người. Bão Matthew quét qua bán đảo phía tây Haiti với sức gió 233 km/h cùng mưa lớn.

61.500 người đã được sơ tán nhưng cũng không tránh nổi thảm họa. Ít nhất 3 thị trấn ở vùng đồi núi và bờ biển ở phía tây của Haiti ghi có tới hàng chục người thiệt mạng. 

Theo trưởng làng Chantal, riêng làng này có tới 86 người chết, chủ yếu là do cây đổ vào nhà, và 30 người mất tích. Còn Jean Pierre- một tài xế 27 tuổi kể lại: “Một cây lớn đã đổ và san phẳng ngôi nhà của chúng tôi. Chúng tôi bị mắc kẹt ở trong và không thể thoát ra ngoài. Khi mọi người đến nhấc đống đổ nát thì vợ tôi đã chết”.
 
Sau trận động đất năm 2010.
 
Vượt lên đau thương mất mát, người dân Haiti gắng gượng chiến đấu giành giật lấy tương lai. Nhiếp ảnh gia Corentin Fohlen là một trong những nhà báo đến với Haiti sau những thảm họa thiên nhiên mô tả: Thật khó hình dung nổi những gì mà đất nước này phải hứng chịu. Rất có thể 20 năm, 50 năm hoặc 200 năm sau người ta mới có thể dựng lại những căn nhà. Nhưng, dẫu sao thì điều đó cũng còn làm được. Một điều tôi tin chắc sẽ không bao giờ làm nổi, đó là việc xóa ra khỏi ký ức người Haiti nỗi chết chóc mà cha ông họ đã trải qua.

C.Fohlen đã dành nhiều thời gian lang thang tới những nơi vùng bị động đật và bão tàn phá. Anh không chỉ tìm kiếm những gì còn sót lại sau thảm họa, cái anh cần tìm hơn chính là ý chí sống của con người.

Tôi nhìn sâu vào mắt người giá, em bé, đáy mắt của những chàng trai. Tôi muốn biết rằng thảm họa có làm họ gục ngã hay không- C.Fohlen nói.

Anh đã ghi lại những hình ảnh chân thực về tình cảnh khó khăn của đất nước này. Nhưng những khó khăn ấy không đánh gục được họ. “Họ vẫn âm thầm sống, vẫn chậm rãi bước về phía trước”- C.Fohlen nói.

Những bức ảnh của C.Fohlen cho thế giới niềm tin về Haiti, tin rằng con người không bao giờ gục ngã cho dù là lâm vào hoàn cảnh đớn đau nhất.
Thế hệ tương lai.
Trở lại câu chuyện của nhiếp ảnh gia C.Fohlen, anh đã góp phần làm cầu nối để các nghệ sĩ từ nhiều quốc gia trên thế giới quy tụ về Jacmel- một thị trấn nhỏ ở đông nam Haiti trong hội trại trao đổi văn hóa mang tên Prom’Art. Anh cũng từng làm quen, động viên những vị luật sư và quan tòa trở lại làm việc tại Cour de Cassation, nơi giờ đây vẫn là dống đổ nát. Anh cũng chia sẻ tình cảm chân thành với những em bé trong một ngôi  trường phổ thông cổ nhất thành phố đã gần như bị tàn phá hoàn toàn trong trận động đất lịch sử.

C.Fohlen còn đến Lumane Casimir, ngôi làng có tới hơn 200 căn nhà bị trận động đất đánh sập. “Việc tôi làm không giới hạn trong những bức ảnh tôi chụp, mà chính là ý định đem tơi một cử chỉ nào đó thân thiết cho những người không may mắn”- C.Fohlen nói.

Trải nghiệm

Nếu không gặp thảm họa thiên nhiên thì Haiti có thể được coi là điểm đến với những trải nghiệm tuyệt vời.

Đó là phong cách ẩm thực đường phố với mùi vị rất đặc trưng. Khách ăn có thể thoải mái ngồi hàng giờ mà người bán vẫn niềm nở. Bất cứ món ăn gì cũng có thể tìm thấy trên đường phố. “Tiệm ăn, khách sạn là dành cho người giàu. Còn hè phố là của chúng tôi- những người nghèo. Mà người nghèo thì bao giờ chẳng đông gấp nhiều lần người giàu”- một người bán hàng trên vỉa hè Thủ đô Port-au-Prince nói.
Cuộc sống hàng ngày của người dân ngoại ô Port-au-Prince.
 
Haiti còn nổi tiếng với những bãi tắm hoang sơ làm nên thương hiệu thiên đường du lịch biển Caribbe. Rất nhiều người mẫu đến đây chụp ảnh, còn những đoàn làm phim hầu như không lúc nào vắng mặt trên những eo biển Haiti tuyệt vời.

Đến với Haiti còn là để được hòa mình vào những lễ hội hóa trang nhiều màu sắc mạnh mẽ, với những con người bỗng chốc hóa thân, thăng hoa đến tột cùng. Nhưng, độc đáo hơn nữa là ngay trên đường phố, người ta hoàn toàn có thể tổ chức những cuộc khiêu vũ hoàn toàn ngẫu hứng.

Đến Haiti, người ta cũng không thể không ghé lại pháo đài Citadelle Laferriere. Pháo đài nằm trên một đỉnh núi, từng chịu đựng nhiều cuộc tấn công để bảo vệ nền độc lập Haiti kể từ khi được xây dựng vào những năm 1800. Nằm ở phía bắc Haiti gần thành phố Cap-Haitien, Citadelle Laferriere không chỉ là pháo đài hùng vĩ nhất của đất nước Haiti mà còn lớn nhất ở Tây bán cầu.

Muốn tới đây, người ta phải đi bằng ngựa và phải trèo qua các cầu thang cao chót vót, đi qua các bức tường và mái nhà mà không có rào chắn bảo vệ. Nhưng cũng chính ở đây, người ta như cảm nhận được quá khứ ùa về trong lúc lặng ngắm cảnh vật xa xa khi hoàng hôn buông xuống.
Theo baodaidoanket.vn

Có thể bạn quan tâm