Cố đô Kaesong

Cố đô Kaesong
Thành phố này nằm gần khu công nghiệp Kaesong, có phế tích của Cung điện Manwoldae và một số di tích lịch sử - văn hóa quan trọng khác. Khi còn là Kinh đô của Vương triều Cao Ly, thành phố này có tên gọi là Songdo. Ngày nay, nơi đây cũng là trung tâm sản xuất sâm Cao Ly được cả thế giới biết đến và là thành phố công nghiệp nhẹ của Bắc Triều Tiên.
 
Ảnh: Vtc.vn
Ảnh: Vtc.vn

Cố đô Kaesong (tiếng Việt có nghĩa là Khai Thành) hiện nay là điểm đến thú vị của du khách nước ngoài khi đến tham quan du lịch tại Bắc Triều Tiên, đây cũng đồng thời là một trong hai địa điểm tại Bắc Triều Tiên mà người Hàn Quốc có thể đến. Tại Kaesong còn rất nhiều di tích của Vương triều Cao Ly như: Nam Mon Kaesong, Songgugwan, Cung điện Manwoldae, cầu Sonjuk, Trường Đại học Songkyongkwan 1.000 năm tuổi, Lăng Vua Kongmin.... Tổng cộng có 12 di tích chính tại thành phố này nằm trong quần thể được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Theo tư liệu lịch sử, 12 di tích này được xây dựng dưới thời Vương triều Cao Ly (Koryo) từ năm 918 đến năm 1392. Vương triều Cao Ly là một vương quốc có chủ quyền nằm trên bán đảo Triều Tiên được thành lập năm 918 bởi Vua Thái Tổ sau khi thống nhất các vương quốc thời Hậu Tam Quốc và bị thay thế bởi nhà Triều Tiên vào năm 1392.

Tên Cao Ly, bắt nguồn từ Cao Câu Ly, sau được phiên âm thành Korea và được dùng làm tên chính thức của Triều Tiên. Cai trị Vương quốc Cao Ly là nhà Cao Ly của dòng họ Vương. Người sáng lập nhà Cao Ly là Vương Kiển, tức Vua Thái Tổ. Vương triều này tồn tại trong 474 năm với nhiều biến cố và thăng trầm lịch sử nhưng cũng đồng thời để lại nhiều dấu ấn, cũng như thành tựu văn hóa đáng kể trong lịch sử Triều Tiên. Bố trí bình phong của cố đô ở khu công nghiệp Kaesong, cùng cung điện, lăng mộ hoàng gia, tường thành phòng thủ và các cổng thành ra vào thể hiện các giá trị về chính trị, văn hóa, triết học và tinh thần của một thời kỳ quan trọng trong lịch sử của nơi đây. Các di tích được công nhận còn bao gồm đài quan sát thiên văn, hai trường học (trong đó có một trường dành riêng cho các quan lại) và bia kỷ niệm. Bởi đã từng là cố đô của Triều đại Cao Ly, lăng mộ của gần như tất cả các vị vua của Vương triều Cao Ly đều được đặt tại khu vực này, một số ngôi mộ bị hư hại. Các ngôi mộ đáng chú ý bao gồm mộ của Thái Tổ, các vị vua Huệ Tông, Cảnh Tông, Thành Tông, Hiển Tông, Văn Tông và Cung Mẫn Vương. Kaesong cũng là khu vực có hai ngôi mộ hoàng gia có niên đại từ thời Vương triều Triều Tiên, đó là lăng mộ Hoàng gia Hurung của Vua Triều Tiên Định Tông, và lăng mộ Hoàng gia Cherung chứa hài cốt của Nữ hoàng Sinui - vợ của vua Triều Tiên Thái Tổ, người sáng lập ra Triều đại. Hai ngôi mộ cuối cùng, mặc dù thuộc gia đình hoàng gia triều đại Triều Tiên, nhưng đã bị loại khỏi danh sách Di sản thế giới tại Hàn Quốc là Quần thể lăng mộ Vương tộc của nhà Triều Tiên vì vị trí của chúng nằm ở Bắc Triều Tiên.
 
Thành phố cổ Kaesong. Ảnh: khoahoc.tv
Thành phố cổ Kaesong. Ảnh: khoahoc.tv

Trong hồ sơ công nhận di sản, các chuyên gia của UNESCO đã đánh giá di sản văn hóa này mang nhiều giá trị về mặt chính trị, văn hóa, giáo dục và tâm linh. Còn theo các nhà nghiên cứu của Văn phòng Bảo tồn Di sản Quốc gia Kaesong thì những di tích lịch sử-văn hóa là niềm tự hào của người dân Bình Nhưỡng. Đó là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu cho thấy lịch sử lâu dài của đất nước Triều Tiên. Không chỉ có vậy, di sản này còn là minh chứng cho thời kỳ chuyền đổi từ Phật giáo sang tân Nho giáo tại khu vực Đông Á. Sự hội nhập và kết hợp các tinh hoa văn hóa của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo và khái niệm bình phong đã được thể hiện trong quy hoạch của các di tích thể hiện qua các kiến trúc đặc sắc ở Cố đô Kaesong.

Cố đô Kaesong được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới theo tiêu chí (ii) và (iii): Các di tích lịch sử tại Cố đô Kaesong đã tồn tại hàng nghìn năm từ thời kỳ Vương triều Koryo từ năm 918 đến năm 1392. Không chỉ là những công trình kiến trúc đẹp có sự kết hợp nhuần nhuyễn tinh hoa từ Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo, những công trình này còn mang giá trị tinh thần và chính trị của quốc gia. Cố đô Kaesong và các di tích lịch sử của nó là bằng chứng xác thực về nền văn minh Koryo và là minh chứng đặc biệt của thời kỳ Phật giáo chuyển giao sang tân Nho giáo ở Đông Nam Á.

Những di tích còn sót lại của Cố đô Kaesong giờ nằm gần biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc. Sau những nỗ lực nhằm cố gắng nối lại các mối quan hệ từng được khai thông đầy triển vọng, người dân hai miền Nam-Bắc Triều Tiên lại đang kỳ vọng vào những cuộc gặp cấp cao mới... Hy vọng di sản văn hóa quý báu nằm ở một vị trí trọng yếu như thế này cũng là một trong những lý do chính đáng để cho một ngày tái thống nhất không xa của miền đất quá đỗi đau thương này, có lẽ đó là điều ắt phải đến với một dân tộc đã bị "lịch sử đương đại - văn minh" nhẫn tâm chia cắt suốt 68 năm qua.
Theo thegioidisan.vn
TTXVN

Có thể bạn quan tâm