Cây cầu cỏ cuối cùng bện bằng tay của người Peru

Cây cầu cỏ cuối cùng bện bằng tay của người Peru
Nằm cách Cuzco khoảng 100 km, cầu Qeswachaka (hay còn gọi là Q’eswachaka hoặc Keswachaka) là một phần của hệ thống những cây cầu cỏ, được xây dựng từ thời đế chế Inca, nhưng đến nay, nó đã trở thành cây cầu cỏ duy nhất còn sót lại trên thế giới. Cầu Qeswachaka dài khoảng 36,6 m, bắc qua sông Apurimac ở độ cao 67 m. Cây cầu được làm từ cỏ và chỉ đủ rộng để cho một người đi qua. Vào thời cổ đại, những cây cầu giống như Qeswachaka luôn có người theo dõi và những người qua cầu bị giám sát chặt chẽ.
 
Tuy rằng đã có một cây cầu hiện đại hơn rất nhiều được xây dựng ngay gần đó, song người dân tại đây vẫn giữ nguyên truyền thống phá hủy rồi làm lại cây cầu cỏ vào tháng 6 mỗi năm để tưởng nhớ tới tổ tiên và Mẹ Đất. Sau khi dựng lại cây cầu, người dân sẽ tiến hành một nghi lễ trang trọng.
Cầu Q'eswachaka làm bằng cỏ bện theo cách truyền thống. Ảnh: Petrotimes.vn
Cầu Q'eswachaka làm bằng cỏ bện theo cách truyền thống. Ảnh: Petrotimes.vn

Vào tuần thứ hai của tháng Sáu hằng năm, khoảng 1.000 người đàn ông và phụ nữ tới từ những cộng đồng Andean khác nhau như Huinchiri, Quehue, Choccayhua, Ccolana và Chaupibanda...tập trung tại cây cầu Qeswachaka để chuẩn bị cho lễ dựng lại cầu.

Trong suốt lễ hội, các thành viên của bốn cộng đồng Quechua địa phương sẽ gom góp các sợi dây thừng dệt từ cỏ. Những sợi này sau đó được dệt lại với nhau để văng thành một cây cầu dài 35 mét bắc qua con sông Apurimac. Nó sẽ thay thế chiếc cầu treo cũng được dệt từ năm trước.

Cỏ dùng làm dây tên là cỏ ichu. Nững người phụ nữ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn cả khi phải dùng cỏ để bện thành những sợi dây nhỏ trước. Rồi sau đó, cánh đàn ông mới tiếp tục sử dụng những sợi dây nhỏ đó để bện thành những sợi dây thừng lớn bền chắc. Cuối cùng, người thợ lành nghề sẽ sử dụng những sợi dây thừng nói trên để làm thành cây cầu bắc ngang qua những hẻm núi cao chót vót hay các dòng sông chảy xiết. Thậm chí, công nghệ làm cầu của người Inca còn được so sánh với công nghệ làm cầu treo hiện đại. Ngoài ra, những cây cầu tưởng chừng yếu ớt này vẫn có thể “cân” được cả một đội kỵ binh chạy qua mà không hề bị hao tổn.

Khu vực Q'swachaka rất im lặng vào ngày đầu tiên của lễ hội. Chỉ có một vài người dân địa phương chiêm ngưỡng cây cầu. Tuy nhiên, khoảng giữa trưa, hàng trăm người dân xuống núi và cầm theo những bó dây đã làm sẵn. Đàn ông mặc áo và đội nón màu trắng. Phụ nữ thì mặc bộ váy melkkhay truyền thống rực rỡ đầy màu sắc. Nhiều bà mẹ cõng con trên lưng bằng những cái địu em bé, gọi là "awayu".

Chẳng mấy chốc các con đường xung quanh cây cầu đông nghẹt với hàng trăm con người, tụ lại thành nhóm, cười nói trong khi đang chuẩn bị thêm dây bện. Họ dọn sạch đoạn đường để trải dài những sợi dây xuống đất và bắt đầu bện với nhau với mục đích tạo ra một sợi dây dày hơn. Quá trình này tiếp tục cho đến khi đủ dây để văng thành cầu.

Những ngày sau đó, họ mang dây đi qua cây cầu cũ, buộc thành quả mới của mình vào những cột neo một cách an toàn, cuối cùng là cắt bỏ cây cầu cũ.
Cầu Q’eswachaka là một trong những cây cầu dây còn sót lại của người Inca, hiện tại cây cầu này đã hơn 500 năm tuổi. Ảnh: wanderlusttips.com
Cầu Q’eswachaka là một trong những cây cầu dây còn sót lại của người Inca, hiện tại cây cầu này đã hơn 500 năm tuổi. Ảnh: wanderlusttips.com

Người Andean (người Peru cổ) quan niệm, dựng lại cầu cỏ Qeswachaka như một cách để họ làm lễ kỷ niệm và tôn vinh tổ tiên Inca của mình cũng như duy trì những truyền thống mà cha ông để lại.

Ngày nay, cây cầu Q'eswachaka đã trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch ưa mạo hiểm tới Peru để thử trải nghiệm cảm giác phiêu lưu như trong những bộ phim hành động của Hollywood.
Theo thegioidisan.vn

Có thể bạn quan tâm