Trà Vinh chia sẻ kinh nghiệm các mô hình sinh kế thích ứng

Trà Vinh chia sẻ kinh nghiệm các mô hình sinh kế thích ứng
Ông Huỳnh Nghĩa Thọ, Giám đốc Ban điều phối Dự án AMD Trà Vinh cho biết, Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh được thực hiện từ 2014 - 2020, trên địa bàn 30 xã thuộc 7 huyện trong tỉnh, với 15.000 hộ nghèo và cận nghèo được hưởng lợi, do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế tài trợ.

Tổng nguồn vốn đầu tư của dự án là 521 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn vay của IFAD hơn 233,5 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại của IFAD hơn 126,5 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam gần 79,5 tỷ đồng, số tiền còn lại do người hưởng lợi đối ứng.

Mục tiêu tổng thể của dự án là xây dựng sinh kế bền vững cho người nghèo ở nông thôn trong điều kiện môi trường thay đổi; nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng để tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm 2015, từ nguồn Quỹ đồng tài trợ (CCA), Dự án AMD Trà Vinh đầu tư thí điểm 18 mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sinh kế bền vững, tăng thu nhập cho người nghèo trong điều kiện biến đổi khí hậu; trong đó, có 13 mô hình trồng trọt, 4 mô hình chăn nuôi và 1 mô hình nuôi thuỷ sản.

Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, máy móc thiết bị, được hướng dẫn quy trình chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách.

Mức hỗ trợ tối đa cho nông dân tham gia mô hình thuộc hộ nghèo, cận nghèo là 30 triệu đồng/hộ, 100 triệu/hộ sản xuất kinh doanh và 750 triệu đồng  đối với tổ, nhóm, hợp tác xã.

Kết quả, 13/18 mô hình đạt hiệu quả cao về thu nhập, tạo việc làm, đáp ứng thị trường, quản lý được rủi ro… so với ngoài mô hình.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Kim Ngọc Thái, đây là những mô hình sinh kế có cách làm hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ứng phó biến đổi khí hậu tốt hơn, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh cần nhân rộng trên địa bàn.

Bà Hà Thị Thanh Liên, đại diện Tổ hợp tác Thắng Lợi 2, xã Thạnh Hoà Sơn, huyện Cầu Ngang chia sẻ, tổ có 10 thành viên; trong đó, 9 người là dân tộc Khmer. Năm 2016, Tổ hợp tác Thắng Lợi 2 được Quỹ đồng tài trợ chọn đầu tư mô hình trồng ớt chỉ thiên trên tổng diện tích 2,3 ha, với tổng vốn đầu tư gần 544 triệu đồng; trong này Quỹ đã hỗ trợ hơn 238 triệu đồng để thực hiện mô hình, số tiền còn lại do thành viên đối ứng.

Sau khi được đầu tư vốn, Tổ hợp tác Thắng Lợi 2 được cán bộ kỹ thuật tập huấn chuyển giao kỹ thuật theo từng thời điểm phát triển của cây ớt, cách chăm sóc và bón lót phân hữu cơ vi sinh đẻ giảm ô nhiễm môi trường, sử dụng màng phủ nông nghiệp để giữ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại côn trùng, bệnh hại…

Nhờ áp dụng phương pháp mới với quy trình chặt chẽ vào sản xuất, sau khi thu hoạch  năng suất tăng hơn 5 tấn/ha, chất lượng tăng nên giá bán cũng tăng 1.000 đồng/kg so với lúc sản xuất chưa áp dụng mô hình.

Bên cạnh đó, mô hình còn tiết kiệm chi phí sản xuất do giảm công lao động và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Sau khi trừ tất cả chi phí, tổ hợp tác đạt lợi nhuận hơn 176 triệu đồng, cao hơn 47% so với khi chưa áp dụng sản xuất theo mô hình. Ngoài ra, Tổ hợp tác còn được doanh nghiệp kí hợp đồng bao tiêu nên giá bán ổn định hơn, không thấp thỏm lo sợ về đầu ra như trước đây.

Nuôi hàu treo giàn bè trên sông cũng là một trong những mô hình đạt hiệu quả cao cần nhân rộng. Ông Mai Văn Hưng, đại diện Tổ hợp tác Đại Thành, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải chia sẻ, năm 2015, Tổ hợp tác được Dự án AMD tài trợ 116 triệu đồng, 14 thành viên đối ứng thêm 119 triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi hàu treo giàn bè trên sông.

Mô hình chỉ tốn công chăm sóc, hàu bám tự nhiên trên giàn bè mà không tốn thức ăn. Sau 10-11 tháng, tổ hợp tác thu hoạch với lợi nhuận đạt gần 35 triệu đồng. Ưu điểm của mô hình là hàu nuôi không bị ảnh hưởng nhiều khi thời thiết thay đổi, mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao, rất phù hợp với các hộ nghèo, cận nghèo không có đất sản xuất. Tuy nhiên, việc nuôi hàu hiện nay đang cần tìm sự liên kết, ký kết cung ứng đầu ra cho sản phẩm.
Thanh Hòa

Có thể bạn quan tâm